5 tỉnh tại Việt Nam có tiềm năng phát triển điện hạt nhân
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến đối với dự thảo Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII). Trong đó, đánh giá về khả năng phát triển điện hạt nhân tại nước ta, hiện có 8 vị trí thuộc 5 tỉnh có tiềm năng xây dựng nhà máy điện hạt nhân quy mô lớn.
Cụ thể, 8 vị trí này nằm trong Quyết định số 906/QĐ-TTg ngày 17/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch định hướng phát triển điện hạt nhân, gồm:
1. Thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận.
2. Thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận.
3. Bãi Chà Là, thôn Bình Tiên, xã Công Hải, huyện Thuận Bắc, Ninh Thuận.
4. Vũng La, thôn Phú Hải, xã Xuân Phương, huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên.
5. Thôn Sơn Tịnh, xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.
6. Thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.
7. Thôn Gia Hòa, xã Đức Thắng, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.
8. Thôn Văn Bân, xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.

Như vậy, điện hạt nhân có thể xem xét xây dựng tại 3 vùng: Nam Trung Bộ (khoảng 25 - 30 GW), Trung Trung Bộ (khoảng 10 GW) và Bắc Trung Bộ (khoảng 4 - 5 GW). Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, chỉ có 2 địa điểm Phước Dinh và Vĩnh Hải là có công bố quy hoạch địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân.
Cũng theo Bộ Công Thương, có 2 địa điểm ở Quảng Ngãi và 1 địa điểm ở Bình Định được xem xét là địa điểm tiềm năng nhưng do không có quy hoạch được công bố nên sau 10 năm, các địa điểm này đều cần rà soát, đánh giá lại do có thể có nhiều biến động kinh tế xã hội, phát triển kinh tế tại các khu vực.
Ngoài ra, dự thảo nêu, việc lựa chọn địa điểm là bước quan trọng để đưa SMR vào hệ thống năng lượng khu vực. SMR là lò phản ứng mô - đun nhỏ, các mô - đun SMR được sản xuất sẵn tại các nhà máy chế tạo, sau đó vận chuyển và lắp đặt tại địa điểm xây dựng, làm cho chúng có chất lượng đảm bảo và giá thành hợp lý hơn so với các lò phản ứng công suất lớn được chế tạo tại chỗ.
Hiện có rất nhiều thiết kế SMR đang được phát triển ở nhiều giai đoạn khác nhau trên khắp thế giới nhưng Việt Nam lại chưa có quy định pháp quy về yêu cầu địa điểm đối với lò SMR. Trong trường hợp không có quy định hướng dẫn cụ thể về lựa chọn địa điểm đối với SMR, việc thực hiện phải tuân thủ theo quy định yêu cầu địa điểm nhà máy điện hạt nhân quy mô lớn hiện hành.
Hơn 400 doanh nghiệp tham gia Triển lãm Vietbuild Hà Nội 2025
Bộ Tài chính, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước phối hợp quản lý sàn giao dịch tiền mã hóa
Phó chủ tịch HĐQT TPBank bất ngờ từ nhiệm
Cân nhắc áp thuế tiêu thụ đặc biệt để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế
Cơ hội cho ngành công nghiệp và nông nghiệp
Quảng Ninh khởi công xây dựng Nhà máy Lite-On Việt Nam