Bảo đảm nguồn cung, giá cả vật liệu xây dựng cho các dự án đường bộ cao tốc
Nhiều năm nay, thiếu mỏ cát, đá xây dựng, thiếu đất san lấp đã và đang là một trong những trở ngại khi thực hiện đầu tư xây dựng các dự án, khiến nhiều công trình chậm tiến độ hoặc nguy cơ “đổ bể”. Rất nhiều giải pháp đã được tiến hành để giải quyết vướng mắc cho dự án, công trình này nhưng dường như, hiệu quả đạt được chưa cao.
Thiếu vật liệu xây dựng vẫn là một trong nhiều vướng mắc chủ yếu mà các dự án gặp phải. Có nhiều dự án đã phải tạm dừng hoặc dừng hẳn thi công vì thiếu hụt nguyên liệu để khai thác, đi mua thì giá quá cao, vận chuyển khó khăn, trong đó có nhiều dự án sử dụng nguồn vốn từ Ngân sách nhà nước và Ngân sách địa phương như dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau hiện đang thiếu hơn 9 triệu m3 cát đắp nền, dự án Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh thiếu 8,6 triệu m3 cát,...
Chính vì vậy, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước sụt giảm rất nhiều, không đạt được kế hoạch đề ra. Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, ước tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 của cả nước đến hết tháng 7 đạt 32,22% tổng kế hoạch, đạt 34,68% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.
Trước tình hình này, ngày 8/8/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Chỉ thị số 26/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của thị trường vật liệu xây dựng với các dự án cao tốc đường bộ, đặc biệt là những dự án đang chậm tiến độ đã lâu.
Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương phối hợp UBND các tỉnh, TP tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm nguồn cung vật liệu xây dựng thông thường như cát, đất đắp nền,… cho các dự án đường bộ cao tốc đang và sẽ thực hiện, đặc biệt là các dự án trọng điểm, liên vùng, đường ven biển, gắn với Đợt thi đua “500 ngày đêm quyết tâm cao, nỗ lực lớn, thi đua hoàn thành thắng lợi các dự án đường bộ cao tốc”, phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc và nâng lên con số 5.000km vào năm 2030.
Đồng thời, Bộ Xây dựng phải theo dõi sát tình hình, diễn biến thị trường vật liệu xây dựng, đặc biệt là các vật liệu chủ yếu để bảo đảm cung cầu, kiểm soát giá vật liệu xây dựng. Tích cực thực hiện các biện pháp kiểm soát giá và chất lượng nguyên vật liệu xây dựng phục vụ cho các dự án đầu tư công, tránh cho dự án bị trì trệ. Cần nghiêm túc rà soát và xử lý hành vi tạo khan hiếm giả, nâng giá, khai thác trái phép, ảnh hưởng đến tiến độ các dự án.
Hy vọng dưới sự chỉ đạo, rà soát, kiểm tra gắt gao, quyết liệt của Chính phủ sẽ phần nào khắc phục được tình trạng thiếu vật liệu xây dựng cho các dự án trọng điểm, kịp thời giải ngân vốn đầu tư công đúng hạn. Hiện việc khai thác, nâng công suất mỏ,… đã được phân quyền về cho từng nơi nên các địa phương cần tiếp tục chủ động trong việc tháo gỡ những vướng mắc về vật liệu xây dựng.
Quảng Nam: đấu giá mỏ đá hơn 5,5ha và 2 mỏ đất san lấp diện tích hơn 18ha ở Phù Ninh
Cấp phép khai thác khoáng sản phục vụ các công trình giao thông trọng điểm
Sắp diễn ra Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam năm 2024
Xây dựng và triển khai các nhiệm vụ ứng phó với Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon
Quảng Nam: Công trình đường tránh lũ kết hợp phát triển đô thị Nam Phước thiếu hơn 223.000m3 đất đắp
Thừa Thiên - Huế yêu cầu tạm dừng khai thác tại 8 mỏ khoáng sản