Bình Thuận đầu tư gần 7.000 tỷ đồng kết nối Phan Thiết với đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là dự án có ý nghĩa chiến lược, trọng điểm của quốc gia với tổng mức đầu tư khoảng 67,43 tỷ USD, bắt đầu từ ga Ngọc Hồi, TP Hà Nội đi qua 20 tỉnh thành và kết thúc tại ga Thủ Thiêm, TP Hồ Chí Minh. Trong đó, đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Thuận có chiều dài 156 km với 2 ga hành khách là ga Phan Thiết và ga Phan Rí.
Ông Nguyễn Hoài Anh - Bí thư Tỉnh uỷ Bình Thuận - khẳng định, việc thực hiện dự án đường kết nối ga Phan Thiết đến trung tâm TP Phan Thiết và phương án quy hoạch khu vực ga Phan Rí là một trong những nhiệm vụ chính trị rất quan trọng của tỉnh Bình Thuận. Đây sẽ là công trình trọng điểm của tỉnh giai đoạn 2026 - 2030.
Ngay khi dự án được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, tỉnh Bình Thuận đã chủ động lập phương án kết nối các tuyến giao thông quan trọng của quốc gia với trung tâm của tỉnh (đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đường quốc lộ 1A, đường ven biển của Bình Thuận…), mở ra không gian mới, tạo động lực mới góp phần thúc đẩy phát triển hành lang kinh tế Đông - Tây của tỉnh Bình Thuận.

Tuyến đường kết nối trung tâm TP Phan Thiết với tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, dự án dự kiến có chiều dài 11,2 km, quy mô 12 làn xe với tổng mức đầu tư khoảng 6.990 tỉ đồng.
Trong đó có bố trí đất dự phòng để đầu tư hệ thống tuyến đường sắt đô thị (tàu metro điện) trong tương lai đồng bộ với tuyến đường bộ.
Về lộ trình, dự kiến giai đoạn 1 (2026-2030) sẽ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng toàn tuyến; đầu tư hoàn thành 6 làn xe cơ giới và các công trình hạ tầng kỹ thuật (vỉa hè, hệ thống chiếu sáng, thoát nước, cây xanh…) với tổng mức đầu tư khoảng 6.470 tỉ đồng.
Giai đoạn 2 (sau năm 2030) sẽ tiếp tục đầu tư các hạng mục còn lại gồm 6 làn xe cơ giới phần giao thông ưu tiên và dải phân cách giữa với chi phí dự kiến là khoảng 520 tỉ đồng.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Đỗ Hữu Huy cho rằng, nếu triển khai sớm tuyến đường này sẽ phát huy ngay được lợi thế về đất đai, tạo không gian phát triển mới cho tỉnh khi nhà ga và tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam đi qua. Ông Huy cho rằng các sở chuyên môn cần triển khai sớm phương án giải phóng mặt bằng để chuẩn bị cho tiến độ của dự án, trình cấp có thẩm quyền.
Tỉnh ủy Bình Thuận giao Đảng ủy UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh khẩn trương hoàn chỉnh phương án đầu tư dự án, đồng thời nghiên cứu quy hoạch đồng bộ khu đô thị ga đường sắt tốc độ cao; quy hoạch, phát huy hiệu quả quỹ đất hai bên tuyến đường mới; trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong tháng 4 năm nay để cho ý kiến.
Trong đó, lưu ý quy hoạch phát triển không gian phải phát huy được thế mạnh quỹ đất hai bên đường. Trên cơ sở đó báo cáo nghiên cứu khả thi trình Tỉnh ủy chậm nhất đến tháng 7. Trong quá trình xây dựng chủ trương dự án, đặc biệt quan tâm đến đời sống người dân khu vực hai bên đường, đồng thời quản lý chặt quỹ đất không để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất đai.
Hà Nội sẽ khởi công xây dựng đường Vành đai 4 vào dịp 19/5
Quảng Ninh khánh thành nhà máy sản xuất ô tô thương hiệu Skoda
Thái Bình khởi công Dự án khu công nghiệp VSIP rộng hơn 333 ha
Quảng Trị khởi công dự án Khu cảng cạn VSICO tại biên giới Việt - Lào
Đà Nẵng khánh thành chung cư xã hội cho người có công với cách mạng
Quảng Nam thông xe kỹ thuật cầu Sông Thu và cầu An Bình gần 930 tỷ đồng