Bộ Tài chính, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước phối hợp quản lý sàn giao dịch tiền mã hóa
Bộ Tài chính đã có Tờ trình số 64/TTr-BTC trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết về việc triển khai thí điểm phát hành và giao dịch tài sản mã hóa.
Trong đó, Bộ Tài chính đề xuất cơ chế phối hợp với Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cùng quản lý sàn giao dịch tiền mã hóa, tài sản mã hóa. Ngoài ra, nếu tài sản số được kinh doanh, mua bán, nhà đầu tư sẽ phải thực hiện nghĩa vụ thuế.
Theo Bộ Tài chính, thị trường tài sản mã hóa đang phát triển nhanh chóng, mang lại cơ hội nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Việc triển khai cơ chế thử nghiệm (sandbox) sẽ giúp các cơ quan quản lý theo dõi, đánh giá thực tiễn hoạt động của thị trường trước khi áp dụng chính thức. Đây cũng là cách tiếp cận mà nhiều quốc gia đang áp dụng nhằm tạo sự cân bằng giữa kiểm soát rủi ro và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Cơ chế sandbox sẽ giúp Việt Nam tận dụng tiềm năng của tài sản mã hóa để huy động vốn cho sản xuất, kinh doanh, phát triển nền kinh tế số, đồng thời giảm thiểu các nguy cơ như rửa tiền, tài trợ khủng bố và các hoạt động tài chính bất hợp pháp.
Thời gian qua, các loại tiền số như Bitcoin, Ethereum... được coi là tài sản số phổ biến. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có định nghĩa cụ thể về tiền số, tài sản số hay tiền mã hóa, tài sản mã hóa. Các quy định hiện chỉ đề cập khái niệm tiền điện tử neo theo tiền pháp định, tồn tại dưới dạng thẻ trả trước ngân hàng, ví điện tử.
Do thiếu khung pháp lý về xác định, phân loại tiền mã hóa và kinh doanh, mua bán tài sản này, nên cơ quan thuế chưa có cơ sở áp dụng chính sách thuế tương ứng. Tuy nhiên, theo đại diện Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính), trường hợp pháp luật xác định rõ bản chất, cho phép tiền số được kinh doanh, mua bán như một loại tài sản thì nhà chức trách sẽ thu thuế theo quy định. Các loại thuế có thể được tính toán thu gồm giá trị gia tăng (VAT), thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân...

Bộ Tài chính nhấn mạnh, khi có sự giám sát chặt chẽ, tài sản mã hóa có thể trở thành một kênh đầu tư và huy động vốn hiệu quả, thay vì là một thị trường đầy rủi ro như hiện nay.
Về chính sách thuế đối với giao dịch tài sản số nhằm đảm bảo nguồn thu song không kìm hãm thị trường, Bộ Tài chính chia sẻ hệ thống pháp luật về thuế hiện hành đã có quy định mang tính bao quát, đảm bảo cơ sở pháp lý để thực hiện việc thu thuế đối với các loại hàng hóa, dịch vụ được mua bán, tiêu dùng trong lãnh thổ Việt Nam cũng như các doanh nghiệp, cá nhân (kể cả trong nước và nước ngoài) có hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam.
Trong đó tập trung vào các sắc thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân.
Tuy nhiên, hệ thống pháp luật chuyên ngành liên quan đến tài sản số vẫn chưa có quy định rõ việc xác định và phân loại các tài sản số cũng như hoạt động kinh doanh, mua bán, trao đổi các loại tài sản này, qua đó làm cơ sở cho việc áp dụng các chính sách thuế tương ứng.
Theo đó, trường hợp pháp luật chuyên ngành về tài sản số xác định rõ được bản chất đồng thời cho phép tài sản số được kinh doanh, mua bán như là một loại tài sản thì sẽ thực hiện nghĩa vụ thuế theo các quy định của pháp luật về thuế.
Hiện chưa có khung pháp lý về tiền mã hóa, tài sản mã hóa nên nhiều doanh nghiệp chọn Singapore, Mỹ đăng ký rồi về hoạt động ở Việt Nam, gây mất lợi thế cạnh tranh và thất thu thuế. Còn ở góc độ người dùng, việc thiếu minh bạch dẫn tới rủi ro trong giao dịch. Do đó, việc sớm có khung pháp lý để định danh, định giá tài sản số sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng, từ đó có tiền đầu tư.
Theo Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA), Việt Nam có đến 17 triệu người sở hữu tài sản mã hóa trong năm 2024, đứng hạng 7 toàn cầu. Năm ngoái, Việt Nam nhận về hơn 105 tỷ USD tiền mã hóa, giảm so với mức 120 tỷ USD của năm 2023.
Honda Việt Nam triệu hồi hai mẫu xe phân khối lớn vì lỗi cần chuyển số
Quảng Ninh khởi công xây dựng Nhà máy Lite-On Việt Nam
Vinfast dừng mô hình cho thuê pin
ASUS ra mắt loạt laptop AI đầu tiên tại Việt Nam
AISC 2025: kết nối tương lai, tạo dựng kỷ nguyên mới cho công nghệ toàn cầu
Lần đầu tiên trên thế giới: Huawei ra mắt điện thoại gập ba