Bộ Y tế khuyến cáo người dân đeo khẩu trang khi đến điểm vui chơi, nơi công cộng
Ngày 8/2, Bộ Y tế ban hành Công văn số 656/BYT-DP về việc tăng cường phòng, chống bệnh cúm, sởi và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp gửi UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh sởi vẫn có xu hướng gia tăng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Cùng với đó, tỷ lệ mắc các hội chứng cúm, nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính cũng gia tăng từ cuối năm 2024, nhất là tại các quốc gia trong khu vực Bắc bán cầu.

Trong nước, theo Bộ Y tế, tại Việt Nam dù số ca cúm có gia tăng cục bộ từ cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán, tuy nhiên không có sự gia tăng đột biến so với hằng năm, các tác nhân chủ yếu là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B. Từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước ghi nhận 912 trường hợp mắc cúm, không có ca tử vong. Tại một số bệnh viện lớn ở Hà Nội như: Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã và đang điều trị hàng chục bệnh nhân nhiễm cúm, trong đó có một số trường hợp mắc cúm A, có bệnh nhân phải can thiệp ECMO, bệnh nhân mắc bệnh cúm trên nền bệnh lý khác.
Các chuyên gia y tế nhận định, thời điểm hiện nay đang trong giai đoạn thời tiết mùa đông xuân với điều kiện khí hậu gió mùa, nồm ẩm, thuận lợi cho các mầm bệnh lây truyền qua đường hô hấp phát triển dẫn đến nguy cơ gia tăng số mắc như cúm mùa, sởi, sốt phát ban... Bên cạnh đó, thời gian này cũng là mùa lễ hội đầu năm, nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao; thường xuyên xảy ra việc tập trung đông người tại các địa điểm du lịch, vui chơi, giải trí và các khu vực công cộng, làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm.
Do đó, để chủ động phòng, chống bệnh cúm mùa, sởi và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, TP chỉ đạo Sở Y tế và các đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ tình hình bệnh truyền nhiễm trên địa bàn, nhất là bệnh cúm, sởi và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp cấp tính, hội chứng viêm phổi nặng do vi rút. Đồng thời, chủ động công tác giám sát, lưu ý việc giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh tại các cơ sở y tế, các cơ sở giáo dục, các cụm, khu công nghiệp...
Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và đảm bảo hậu cần, kinh phí, thuốc, vắc xin, thiết bị, nhân lực đáp ứng yêu cầu điều trị và phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương tổ chức triển khai hiệu quả tiêm chủng chống dịch sởi, bảo đảm tiêm chủng đầy đủ cho các nhóm đối tượng để nhanh chóng kiểm soát tình hình.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng lưu ý, Ban Quản lý các cụm, khu công nghiệp, các địa điểm du lịch, vui chơi, giải trí, các trung tâm thương mại, địa điểm công cộng, các cơ sở giáo dục đào tạo phối hợp với ngành Y tế triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt, hướng dẫn, khuyến cáo thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân như đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng, hạn chế tiếp xúc với trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, tham gia tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.
Hà Nội ghi nhận ca tử vong đầu tiên do sởi
Dạo quanh con đường ngập sắc vàng hoa phong linh ở Hà Nội
TP Hồ Chí Minh: nữ giới, cán bộ dám nghĩ dám làm được ưu tiên thuê nhà ở xã hội
TP Hồ Chí Minh chi ngân sách 48.000 tỷ đồng làm tuyến metro số 2
Đề xuất mức chi Quỹ giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông đường bộ
Làm cộng tác viên chốt đơn hàng để lấy lãi - chiêu lừa cũ nhiều người vẫn mắc bẫy