Cà Mau chuyển đổi hơn 21 ha rừng đước đôi để xây dựng đê biển Tây
Cụ thể, tỉnh Cà Mau sẽ chuyển đổi mục đích sử dụng 21,25 ha rừng sản xuất (rừng đước đôi) để phục vụ các hạng mục xây dựng. Khu vực được phép chuyển đổi này thuộc xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau với diện tích rừng được trồng trong giai đoạn 2003 - 2020.
Dự án xây dựng đê biển Tây được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư ngày 4/9/2019, với tổng mức đầu tư hơn 849 tỷ đồng, diện tích sử dụng đất 144 ha, địa điểm thực hiện trên địa bàn huyện Phú Tân và huyện Trần Văn Thời.
Dự án trên nhận được nguồn vốn đầu tư từ nhiều đơn vị, bao gồm 19,17 triệu euro (gần 531 tỉ đồng) vốn vay từ Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) cho xây dựng hạ tầng; 3,76 triệu euro (hơn 104 tỉ đồng) viện trợ không hoàn lại từ Liên minh châu Âu (EU) thông qua Quỹ Quản lý nước và Tài nguyên thiên nhiên (WARM) để hỗ trợ kỹ thuật và 8,99 triệu euro (hơn 249 tỉ đồng) vốn đối ứng từ ngân sách địa phương. Thời gian triển khai dự án dự kiến từ năm 2024 đến 2028.

Dự án xây dựng đê biển Tây được đánh giá là bước đi quan trọng trong hợp tác giữa UBND tỉnh Cà Mau, EU và AFD. Mục tiêu là áp dụng các giải pháp công trình và phi công trình nhằm ngăn chặn xói lở bờ biển, phục hồi hệ sinh thái rừng ngập mặn, đồng thời nâng cao năng lực quản lý vùng ven biển của chính quyền địa phương, hỗ trợ cộng đồng ứng phó biến đổi khí hậu.
Theo chính quyền tỉnh Cà Mau, việc đầu tư dự án trên là cần thiết, nhằm kiểm soát triều cường, phòng chống xói lở bờ biển tạo điều kiện khôi phục đai rừng phòng hộ, giảm nhẹ thiên tai, ổn định sinh kế, đời sống cho cộng đồng dân cư, góp phần phát triển bền vững khu vực ven biển tây tỉnh Cà Mau trong điều kiện biến đổi khí hậu dựa trên việc phát huy lợi thế tổng hợp của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Khi thực hiện dự án sẽ xây dựng 19 km đê biển Tây từ Cái Đôi Vàm đến Kênh Năm hướng đến trồng mới hơn 2.000 ha rừng phòng hộ ven biển tây từ cửa Sông Đốc đến cửa Bảy Háp, góp phần bảo đảm an toàn cho đê biển và 15.000 ha đất thuộc huyện Phú Tân, Trần Văn Thời dưới tác động của sóng, gió bão (cấp 9) và nước biển dâng.
Ngoài ra, dự án sẽ xây dựng hơn 11 km kè giảm sóng, chống xói lở bờ biển, gây bồi, tạo bãi tại khu vực huyện Trân Văn Thời và Phú Tân; hoàn thiện tuyến đê biển Tây và đường giao thông ven biển nối liền thị trấn Cái Đôi Vàm đến Kênh Năm, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, du lịch và dịch vụ trong vùng; hỗ trợ sinh kế cho người dân 5 xã ven biến của huyện Phú Tân và huyện Trần Văn Thời.
Hà Nội cần giải pháp khẩn cấp để di dời, đóng cửa các cơ sở ô nhiễm nghiêm trọng
Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai 2 bị xử phạt vì hoạt động không có giấy phép môi trường
Unilever đã phủ xanh gần 700.000 cây để bảo vệ môi trường
Xử phạt hàng tỷ đồng nhiều doanh nghiệp ở Đồng Nai do vi phạm về môi trường
Quảng Nam khởi công xây dựng dự án chống xói lở, bảo vệ bờ biển Hội An
Nghiên cứu bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch theo trục đường Võ Chí Công