Cải tạo khu ký túc xá Pháp Vân - Tứ Hiệp thành nhà ở xã hội cho thuê vào năm 2026
Văn phòng UBND TP Hà Nội vừa có văn bản thông báo Kết luận của Chủ tịch UBND TP Hà Nội tại cuộc họp về tình hình triển khai một số dự án đầu tư kéo dài, chậm triển khai, chậm đưa vào sử dụng trên địa bàn TP.
Theo đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã có kết luận về tòa A2, A3 tại khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp.
TP Hà Nội đã yêu cầu Sở Xây dựng và Ban Quản lý dự án công trình dân dụng khẩn trương lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, tiến hành thẩm định phương án chuyển đổi các tòa A2, A3, A4 thành nhà ở xã hội cho thuê. Sau khi hoàn thiện, đề xuất này sẽ được trình HĐND TP xem xét và thông qua tại phiên họp đầu năm 2025.
Trên cơ sở Kế hoạch trên, TP Hà Nội dự kiến sẽ hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp tòa A2, A3 vào năm 2026. Tòa A4 sẽ được đầu tư xây dựng và hoàn tất vào năm 2027.
Yêu cầu trên được đưa ra trong bối cảnh thủ đô đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhà ở vừa túi tiền cho người dân.
Khu ký túc xá Pháp Vân - Tứ Hiệp được xây dựng trên khu đất rộng 40.000m2, nằm ngay sát cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và đường Giải Phóng. Công trình gồm 6 khối nhà (ký hiệu từ A1 đến A6), cao trung bình 17 tầng.
Dự án ký túc xá Pháp Vân - Tứ Hiệp từng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách với chi phí đầu tư 1.900 tỷ đồng, mục đích hỗ trợ chỗ ở cho khoảng 22.000 sinh viên. Dự án hiện được UBND TP Hà Nội giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng làm chủ đầu tư để tiếp tục triển khai.
Tuy nhiên, hơn chục năm xây dựng, hiện chỉ có ba tòa nhà A1, A5 và A6 hoàn thành. Trong đó, tòa A4 chưa thi công do thiếu mặt bằng, tòa A2, A3 dừng lại ở phần thô.
Năm 2017, Sở Xây dựng đã đề xuất chuyển tòa A2, A3 thành nhà ở xã hội. Tuy nhiên, đến năm ngoái, UBND TP Hà Nội lên kế hoạch dành hơn 220 tỷ đồng để thực hiện việc này.
Theo kế hoạch, TP Hà Nội phải xây dựng 18.700 căn nhà ở xã hội đến năm 2025. Tuy nhiên, đến nay, TP chỉ có 3 dự án đã khởi công (1.700 căn) và 5 dự án đã hoàn thành xây dựng, cung cấp tổng cộng 5.200 căn, đạt gần 37% mục tiêu đề ra.
Mới đây Phó Chủ tịch TP Hà Nội, giao Văn phòng UBND TP và các sở, ngành TP phối hợp rà soát, tham mưu cho các Phó Chủ tịch UBND TP phụ trách các lĩnh vực xem xét, thống nhất quan điểm chỉ đạo, thống nhất cách làm để tập trung tháo gỡ vướng mắc, đảm bảo tính khả thi cho các dự án đầu tư theo lĩnh vực được giao quản lý.
Đồng thời, yêu cầu các sở, ngành TP, UBND các quận, huyện thực hiện một số nhiệm vụ để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với 5 dự án đầu tư kéo dài, chậm triển khai, chậm đưa vào sử dụng.
Sắp cưỡng chế thu hồi đất, xây dựng Trạm biến áp 220/110kV Thanh Xuân
Đường Lại Yên - Vân Canh trị giá gần 500 tỷ đồng trễ hẹn thông xe
Cảnh ngổn ngang dự án hơn 7.400 tỷ đồng ở quận Hà Đông
Đoạn Vành đai 2,5 ở quận Hoàng Mai dang dở sau hơn 10 năm khởi công
Hà Nội sẽ đầu tư xây mới, xây lại 34 chợ trên địa bàn trong năm 2025
Đẩy nhanh giải phóng mặt bằng đường Nguyễn Tuân