Cần một chiến lược tổng thể để nâng chất lượng nước sạch nông thôn

09:21 05/09/2024
Thiếu nguồn cung, chất lượng nước kém, và hạ tầng yếu kém là những vấn đề gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của hàng triệu người dân nông thôn.

Vừa “thiếu” vừa “yếu”

Theo dự thảo Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050, Chính phủ đã xác định an ninh nguồn nước là yếu tố then chốt để phát triển kinh tế và xã hội bền vững. Quy hoạch này nhấn mạnh vào việc bảo vệ nguồn nước từ đầu nguồn, quản lý tốt việc sử dụng nước và tái sử dụng nước thải. Tuy nhiên, việc thực hiện những kế hoạch này vẫn còn gặp nhiều thách thức, đặc biệt là tại các khu vực nông thôn.

Nhiều vùng nông thôn hiện đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước sạch. Ngay cả những nơi có nguồn nước, chất lượng nước cũng không bảo đảm do tình trạng ô nhiễm môi trường và sự suy giảm chất lượng nước ngầm. Việc bảo đảm an ninh tài nguyên nước cho các khu vực này không chỉ đơn thuần là câu chuyện của quản lý, mà còn đòi hỏi sự tham gia của cộng đồng và các tổ chức phi chính phủ trong việc bảo vệ và sử dụng nguồn nước một cách bền vững.

Phát triển hệ thống nước sạch nông thôn là mục tiêu chung của Thành phố Hà Nội và cả nước. Ảnh: Chiến Công

Ví dụ điển hình tại Đồng Nai, kết quả kiểm tra, giám sát chất lượng nước năm 2023 của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) tỉnh này cho thấy, chất lượng nước sạch phục vụ cho mục đích sinh hoạt tại các công trình cấp nước khu vực nông thôn tỷ lệ mẫu không đạt chiếm khá cao, như hàm lượng Clo dư, tổng số Coliform, E.Coli, pH, độ cứng, độ đục… chiếm tỷ lệ tương đối cao. Hay như kết quả kiểm tra của CDC Hà Nội tại Trạm cấp nước liên xã Liên Hiệp - Hiệp Thuận - Trung tâm Bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới Hà Nội vào tháng 11/2023, 3 mẫu nước được lấy xét nghiệm đều không đạt quy chuẩn về thông số Clo dư tự do, Nitrat, Coliforms.

Theo chuyên gia môi trường, nguyên nhân dẫn đến nước sạch không đạt chuẩn ở các địa phương chủ yếu là do công nghệ xử lý nước của các công trình khu vực nông thôn lạc hậu, kèm theo đó là chất lượng nguồn nước nguyên liệu (nguồn nước ngầm) ngày càng suy giảm, do đó công trình hiện nay không đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nước theo Quy chuẩn Việt Nam (QCVN) 01-1:2018/BYT.

Mặt khác, phần lớn các công trình cấp nước đã xuống cấp, hư hỏng, thiếu cán bộ kỹ thuật dẫn đến chất lượng nước sạch cho mục đích sinh hoạt không bảo đảm; mạng lưới cấp nước khu vực nông thôn hiện nay vẫn còn dùng vật liệu là ống dẫn PVC (khả năng chịu lực kém, độ bền không cao…) thường xuyên xảy ra sự cố liên quan đến đường ống, dẫn đến tỷ lệ thất thoát cao, chất lượng nước bị ảnh hưởng.

Không chỉ hạ tầng, việc quản lý và giám sát chất lượng nước sạch ở nông thôn cũng còn nhiều bất cập. Các cơ quan chức năng địa phương thường thiếu nguồn lực, trang thiết bị để kiểm tra, giám sát chất lượng nước thường xuyên. Nhiều nơi chưa có quy trình kiểm tra chặt chẽ, dẫn đến tình trạng nước ô nhiễm nhưng người dân không được cảnh báo kịp thời. Điều này đặc biệt nguy hiểm trong các trường hợp nguồn nước bị nhiễm độc từ các hoạt động công nghiệp hoặc nông nghiệp.

Gỡ khó từng bước

 

Tình trạng nước sạch ở nông thôn vừa "thiếu" vừa "yếu" bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân phức tạp, bao gồm cả yếu tố tự nhiên và yếu tố con người. Biến đổi khí hậu đang khiến cho nhiều khu vực ở Việt Nam phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước nghiêm trọng. Hạn hán kéo dài, lũ lụt thường xuyên và tình trạng xâm nhập mặn đã làm giảm sút nghiêm trọng nguồn cung cấp nước ngọt. Trong khi đó, việc khai thác nước ngầm không kiểm soát và việc xả thải trực tiếp ra môi trường cũng đang góp phần làm suy giảm chất lượng nguồn nước.

Một nguyên nhân khác chính là sự hạn chế trong chính sách và đầu tư của Nhà nước. Mặc dù đã có nhiều chương trình cấp nước sạch cho nông thôn được triển khai, nhưng hiệu quả của các chương trình này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Việc phân bổ nguồn lực chưa đều, thiếu sự đầu tư đúng mức vào các dự án cấp nước sạch tại các vùng khó khăn đã khiến cho tình trạng này trở nên trầm trọng hơn.

Để khắc phục tình trạng này, các chuyên gia khuyến nghị cần có một chiến lược tổng thể và đồng bộ hơn. Trước hết, cần tăng cường đầu tư vào hạ tầng cấp nước sạch, đặc biệt là ở các vùng nông thôn xa xôi, khó khăn. Nhà nước cần có chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư từ các DN và tổ chức quốc tế vào lĩnh vực này. Đồng thời, việc quản lý, giám sát chất lượng nước cần được thực hiện một cách nghiêm ngặt hơn, với sự tham gia của các cơ quan chuyên môn và cộng đồng.

Ngoài ra, công tác giáo dục cộng đồng về tầm quan trọng của nước sạch cũng cần được đẩy mạnh. Việc nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi sử dụng nước của người dân sẽ giúp giảm thiểu các rủi ro sức khỏe liên quan đến việc sử dụng nước không bảo đảm vệ sinh. Chính quyền địa phương cần triển khai các chương trình tuyên truyền, tập huấn cho người dân về cách thức sử dụng và bảo vệ nguồn nước một cách hiệu quả.

Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi Lương Văn Anh cho biết, ngoài hệ thống cung cấp nước sạch được ngân sách Nhà nước đầu tư hoặc từ nguồn việc trợ nước ngoài, phần lớn nguồn nước sạch người dân nông thôn tiếp cận hiện nay do DN cung cấp. Đây là xu thế tất yếu, trong bối cảnh nguồn lực từ Nhà nước rất hạn chế. "Do đó cần có giải pháp để thu hút đầu tư tư nhân tham gia lĩnh vực này, bảo đảm quyền được tiếp cận nước sạch cho người dân” - ông Lương Văn Anh nêu.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) khuyến nghị rằng cần có đánh giá toàn diện và thiết kế một hệ thống chính sách tổng thể để hoàn chỉnh thị trường kinh doanh nước sạch. Bên cạnh đó, để nâng tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sạch, ngoài việc tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến đất đai, nguồn vốn ưu đãi cho các DN đầu tư hệ thống nước sạch thì các địa phương cần vận động người dân sử dụng nước sạch khi có đường ống về đến nơi.

Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Chính phủ phê duyệt đặt ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về cấp nước và vệ sinh nông thôn hướng tới phát triển bền vững, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân nông thôn, thu hẹp dần khoảng cách giữa nông thôn với thành thị, góp phần xây dựng nông thôn mới. Đây được xem là bước đột phá để cải thiện chất lượng nước sinh hoạt vùng nông thôn. Tuy nhiên, để hiện thực hóa được những mục tiêu này cần có sự vào cuộc chung tay của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành từ T.Ư đến địa phương.

Theo thống kê của Bộ Y tế và Bộ TN&MT, hiện mỗi năm nước ta có khoảng 9.000 người tử vong do nguồn nước và vệ sinh kém, gần 250.000 người nhập viện vì bị tiêu chảy cấp bởi nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm, khoảng 200.000 người mắc bệnh ung thư mỗi năm mà một trong những nguyên nhân chính là do ô nhiễm nguồn nước.

 

Nguyễn Quý 

Huyện Mê Linh chi 13,3 tỷ đồng hỗ trợ người dân phòng, chống lũ

Toà căn hộ dịch vụ Trường Chinh 77m2 x 7 tầng xây mới thang máy - 30 phòng khép kín

245,45 Triệu/m²
77 m²
P. Phương Liên, Q. Đống Đa, Tp. Hà Nội

Nhà mặt tiền đường Hoàng Tam Kỳ, Long Bình Biên Hòa

46,13 Triệu/m²
142 m²
Đ. Hoàng Tam Kỳ, P. Long Bình, Tp. Biên Hòa, T. Đồng Nai

Chính chủ bán đất diện tích sử dụng hơn 130m2 tặng nhà tại Gia Lâm, Hà Nội

77,5 Triệu/m²
80 m²
Đ. Nguyễn Bình, X. Dương Xá, H. Gia Lâm, Tp. Hà Nội

BÁN NHÀ SÀI ĐỒNG, LONG BIÊN 112M2, 5 TẦNG, MẶT TIỀN 5M, GARA, THANG MÁY, Ô TÔ TRÁNH, 2 THOÁNG

133,93 Triệu/m²
112 m²
Đ. Vũ Xuân Thiều, P. Sài Đồng, Q. Long Biên, Tp. Hà Nội

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Diễn đàn Đô thị trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi diendandothi.kinhtedothi.vn
X