Chợ phiên những ngày rét đậm tại Mù Cang Chải
Những ngày đầu năm 2025, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) xảy ra các đợt rét đậm, rét hại, nhiệt độ giảm sâu chỉ còn từ 3 - 5 độ C. Người dân từ các thôn, bản của Mù Cang Chải rẽ màn sương lạnh buốt xuống chợ từ tờ mờ sáng. Phiên chợ lác đác vài người bày bán nông sản, chẳng mấy chốc đã rộn ràng, nhộn nhịp.

Huyện vùng cao Mù Cang Chải có 3 chợ chính là chợ ngã ba Kim, chợ huyện Mù Cang Chải và chợ Khao Mang. Mỗi chợ cách nhau khoảng 20 km dọc theo quốc lộ 32. Đối với người dân vùng cao, đi chợ không chỉ đơn giản để mua bán hàng hóa mà còn để giao lưu trao đổi những nông sản mà họ sản xuất ra. Vì vậy, trên khắp các nẻo đường, từ trên sườn núi đến những con đường mòn, bà con dân tộc nơi đây người đi bộ, người cưỡi ngựa, đi xe máy rộn ràng đổ về chợ.

Chợ phiên vùng cao thường họp vào cuối tuần. Để đến kịp chợ, từ sáng sớm tinh mơ, khi màn đêm vẫn còn bao phủ một lớp sương mù và trong cái rét buốt của vùng cao, người dân đã bắt đầu chở hàng hóa đến chợ. Chợ vùng cao Tây Bắc thường họp từ 5 giờ sáng đến 15 - 16 giờ chiều thì chợ tan.

Chợ phiên là nét độc đáo thể hiện văn hóa bản địa. Hàng hóa được đồng bào mang đến chợ cũng rất đa dạng và phong phú. Chủ yếu là các mặt hàng do người dân tự sản xuất như ngô, khoai, sắn, sản vật địa phương: vài mớ rau, một ít trái cây, mấy gùi táo mèo, vài lít rượu thóc hoặc một vài chai mật ong rừng… Những sản phẩm này là sự kết tinh của lao động, thể hiện sự cần cù, chịu khó của người dân vùng cao, đồng thời phản ánh nét văn hóa đặc trưng của đồng bào.

Chợ phiên ở đây thường chia thành các khu riêng, đầu chợ sẽ bày bán các mặt hàng thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết cho đời sống thường nhật. Tiếp đến là khu bán hàng gia dụng, công cụ lao động, và cuối chợ thường là khu bán vật nuôi. Ngoài khu mua bán, giữa chợ là dãy hàng ăn. Sau khi đã mua sắm đầy đủ những vật dụng cần thiết cho gia đình, người đi chợ có thể ghé vào các quán ăn để thưởng thức món ăn mà mình yêu thích.


Đến với chợ vùng cao, du khách còn được đắm chìm trong sắc màu thổ cẩm của đồng bào các dân tộc địa phương. Khi phiên chợ kết thúc, trên khắp các nẻo đường về bản, du khách sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh người dân chở hàng mua được dọc theo những con đường mòn trở về nhà. Cuộc sống của người dân nơi đây tuy có phần khó khăn, vất vả nhưng luôn giữ được sự chân chất gần gũi trong lời ăn tiếng nói nên chợ phiên cũng vì thế mà trở nên đặc biệt.


Chợ phiên vùng cao Mù Cang Chải mang bản sắc văn hóa dân tộc hết sức sinh động, là không gian sinh hoạt cộng đồng đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông. Ngày nay do sự giao lưu văn hóa nên những phiên chợ này ít nhiều có sự đổi thay nhưng vẫn luôn giữ được những nét đẹp riêng có của chợ phiên vùng cao. Vì vậy, những phiên chợ vùng cao nơi đây đã và đang thu hút đông đảo du khách trên mọi miền đất nước và du khách quốc tế.
Xếp hàng chụp ảnh cùng cây gạo di sản ở Bắc Giang
Festival Phụ nữ Thủ đô vì hòa bình, phát triển thu hút người dân và du khách
Đặc sắc Lễ hội truyền thống làng gốm Bát Tràng
Mùa hoa sơn tra trên bản Nậm Nghiệp
"Thả dáng" cùng hoa ban trên con phố lãng mạn bậc nhất Thủ đô
Bình Định “tung” gần 1.200 vé tàu 0 đồng nhằm kích cầu du lịch