Chưa tìm được nhà đầu tư chiến lược cho dự án Cảng Cần Giờ
Tại họp báo kinh tế - xã hội, chiều ngày 7/11, ông Phạm Tuấn Anh - Trưởng phòng tổng hợp quy hoạch, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) TP Hồ Chí Minh đã thông tin về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết 98 và những vấn đề vướng mắc mà Nghị quyết 98 chưa giải quyết được.
Ông Tuấn Anh cho biết, Nghị quyết 98 đã đưa ra 44 cơ chế đặc thù. Trong đó có 29 cơ chế đã được TP áp dụng, cụ thể có 20 cơ chế bước đầu đạt kết quả, 9 cơ chế đang trong quá trình thực hiện.
Trong quá trình triển khai các cơ chế này, TP đã đạt nhiều kết quả khả quan như đề xuất các vị trí để thực hiện dự án TOD; thúc đẩy các dự án PPP trong lĩnh vực y tế, giáo dục; thực hiện các dự án BOT trên đường hiện hữu; thực hiện dự án cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài… Ngoài ra, TP đã triển khai nhiều cơ chế khác để áp dụng, tháo gỡ cho các dự án đầu tư trên địa bàn TP, bao gồm đầu tư công, đầu tư PPP, đầu tư tư nhân.
Tuy nhiên, sau một năm thực hiện Nghị quyết 98, TP Hồ Chí Minh đã gặp phải một số khó khăn thực tiễn.
Ông Tuấn Anh nêu ví dụ: Nghị quyết 98 quy định trường hợp được xác định là nhà đầu tư chiến lược thì nhà đầu tư sẽ được lựa chọn theo quy trình đơn giản hơn hoặc được hưởng một số ưu đãi tốt hơn với nền chung quy định pháp luật cả nước.
Để được xác định là nhà đầu tư chiến lược thì nhà đầu tư phải có cam kết giải ngân toàn bộ tổng vốn đầu tư trong vòng 5 năm kể từ thời điểm cấp giấy chứng đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư.
Ví dụ điển hình là dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ với vốn đầu tư lớn (dự tính 5,5 tỷ USD) và đặc thù ngành cảng biển. Ngoài việc xây dựng, dự án cần thời gian để điều chuyển nguồn hàng theo công suất thiết kế.
Khi thẩm định dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Chính phủ về khó khăn trong việc giải ngân toàn bộ vốn trong 5 năm, do đó đã kiến nghị điều chỉnh quy định này để tăng tính khả thi cho dự án.
UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã có văn bản kiến nghị Quốc hội sửa đổi quy định này trong kỳ họp tới, nhằm đảm bảo khả năng thúc đẩy và triển khai dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Ngày 2/10/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký văn bản số 746/TTg-CN về Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Đề án đã được UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức nghiên cứu bài bản, kỹ lưỡng để phục vụ việc xem xét bổ sung bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ vào các quy hoạch và lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án. Đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã bổ sung bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ vào Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Để sớm tổ chức triển khai đầu tư xây dựng bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đồng ý với đề xuất của Bộ Giao thông vận tải về nhiệm vụ của các bộ, địa phương nêu tại văn bản số 9008/BC-BGTVT ngày 20/8/2024.
Theo quyết định phê duyệt theo quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ là một trong những dự án quan trọng của vùng Đông Nam Bộ, sẽ thực hiện cả trước và sau năm 2030.
Theo danh mục kèm quyết định, có tổng cộng 44 dự án được xác định là dự án quan trọng của vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050.
Trong đó có 10 dự án được xác định trong quy hoạch tổng thể quốc gia gồm:
– Đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông qua địa bàn vùng Đông Nam Bộ.
– Đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Tây qua địa bàn vùng Đông Nam Bộ.
– Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Mộc Bài (Đường bộ cao tốc Đông – Tây).
– Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (Đường bộ cao tốc Đông – Tây).
– Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
– Đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh.
– Đường vành đai 4 TP Hồ Chí Minh.
– Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam qua địa bàn vùng Đông Nam Bộ.
– Các tuyến đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh.
– Đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu (đường sắt kết nối với cảng biến cửa ngõ quốc tế).
Ngoài ra, có 34 dự án quan trọng khác được xác định phân kỳ thực hiện giai đoạn từ 2021 – 2030 và sau 2030.
TP Hồ Chí Minh đề xuất hơn 120.000 tỷ đồng cho dự án Vành đai 4
TP Hồ Chí Minh dự chi 1.850 tỷ đồng xây dựng nhà thi đấu Phan Đình Phùng
Thành phố Hồ Chí Minh: Dự án chống ngập cần thêm 1.800 tỷ đồng để hoàn thành
TP Hồ Chí Minh đề xuất đầu tư gần 14.700 tỷ đồng cho 3 dự án giao thông trọng điểm
TP Hồ Chí Minh thi tuyển kiến trúc nút giao Vành đai 2 - Phạm Văn Đồng
Đề xuất gần 34.000 tỷ đồng mở rộng cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận