Công bố nghề gốm Kim Lan là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia
Phát biểu tại buổi Lễ, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Trương Văn Học cho biết, là vùng đất nằm phía đông nam kinh thành Thăng Long xưa, ven bờ sông Hồng, có nhiều đất sét trắng- một nguồn nguyên liệu tốt để sản xuất đồ gốm nên nghề gốm ở Kim Lan xuất hiện từ rất sớm. Qua khai quật các hiện vật quý tại di chỉ bãi Hàm Rồng vào các năm 2001 và 2003, Viện Sử học, Viện Khảo cổ học, Viện Bảo tàng Lịch sử đã kết luận nghề sản xuất gốm ở Kim Lan có từ thế kỷ 7 đến thế kỷ 18.Từ thế kỷ 8, gốm Kim Lan đã được xếp vào hàng những sản vật quý cùng với lụa, gấm, châu, ngọc. Không chỉ có những sản phẩm có giá trị, Kim Lan còn có gốm mộc, gốm thô mộc mạc, giản dị... Đến những năm 1990, Kim Lan có khoảng 750 lò sản xuất gốm sứ, chủ yếu làm bát đĩa…
Xã Kim Lan nằm ở phía tây nam huyện Gia Lâm, trước đây là một trong 22 xã, thị trấn thuộc huyện Gia Lâm. Sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính theo Nghị quyết số 1286 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ ngày 1/1/2025 xã Văn Đức và xã Kim Lan sáp nhập, thành lập xã Kim Đức.

Hiện nay, làng nghề gốm sứ Kim Lan, xã Kim Đức có hơn 350 lò gốm hoạt động, thu hút hàng nghìn lao động tham gia, mang lại doanh thu khoảng 500 tỷ đồng/năm cho địa phương. Sản phẩm gốm Kim Lan không đơn giản, hài hòa, tạo sự tiện dụng và phong phú, đa dạng, phục vụ nhu cầu trong nước và vươn ra thị trường lớn trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc…
Xã có 17 nghệ nhân, trong đó có 1 nghệ nhân ưu tú và 7 nghệ nhân Hà Nội; 3 sản phẩm được Tổ chức kỷ lục Guinness Việt Nam trao bằng xác lập kỷ lục Guinness cho sản phẩm gốm sứ thủ công lớn nhất; 3 sản phẩm được Viện sáng tạo độc bản Việt Nam công nhận sản phẩm độc đáo; 25 sản phẩm đạt OCOP 4 sao.
Việc phát triển làng nghề truyền thống không chỉ góp phần bảo tồn giá trị văn hóa mà còn tạo động lực thúc đẩy kinh tế địa phương. Để làm được điều đó, cần có sự kết hợp giữa gìn giữ tinh hoa truyền thống và đổi mới công nghệ sản xuất. Chính quyền địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ làng nghề qua các chính sách về vốn, đào tạo tay nghề, xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm. Bên cạnh đó, các nghệ nhân và hộ sản xuất cũng cần chủ động cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Khi làng nghề được đầu tư bài bản, không chỉ tạo ra sản phẩm mang bản sắc dân tộc mà còn góp phần phát triển du lịch, nâng cao thu nhập cho người dân, hướng tới sự phát triển bền vững. Với những giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học, sự quan tâm của các cấp từ Trung ương, TP, huyện Gia Lâm, xã Kim Lan (nay là xã Kim Đức) và sự chung sức của cộng đồng, ngày 23/1/2025, nghề gốm Kim Lan đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào danh mục là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Hà Nội chú trọng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn
Hà Nội: 100% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới
Hà Nội: trao 14 danh hiệu làng nghề và chứng nhận sản phẩm OCOP cấp Thành phố
Huyện Yên Lạc đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đầu tiên của tỉnh Vĩnh Phúc
31 hộ dân ở Lào Cai đối mặt với nguy cơ sạt lở đất nghiêm trọng
Hà Nội tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2025