Đề xuất đầu tư gần 15.000 tỷ đồng mở rộng cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành
Mở rộng cao tốc là cần thiết
Tuyến TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây là đường cao tốc dài 55,7km thuộc hệ thống đường cao tốc Việt Nam. Điểm đầu tuyến là nút giao thông An Hòa, thuộc quận 2, TP Hồ Chí Minh và điểm cuối là nút giao thông Dầu Giây, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai.
Đây được coi là tuyến đường huyết mạch kết nối TP Hồ Chí Minh với các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Từ đó, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Toàn bộ đường cao tốc đã cho thông xe vào đầu tháng 2/2015.
Sau hơn 10 năm đi vào sử dụng, hiện đoạn TP Hồ Chí Minh - Long Thành đã có dấu hiệu xuống cấp và lượng phương tiện lưu thông qua đây rất đông đúc, gây nhiều nguy hiểm cho người dân. Đại diện Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, nửa đầu năm 2024, cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đạt 11,68 triệu lượt xe và dự kiến con số trong năm 2025 sẽ tăng lên rất nhiều, vượt qua khả năng có thể đáp ứng.
Để tạo điều kiện phát triển kinh tế vùng trọng điểm phía Nam, phát huy hiệu quả sân bay Long Thành cũng như “hóa giải” bài toán tắc nghẽn cho tuyến đường, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã đề xuất Chính phủ các phương án mở rộng cao tốc, tăng làn xe.
Phương án mở rộng cao tốc đoạn TP Hồ Chí Minh - Long Thành
Ủy ban đề xuất mở rộng cao tốc đoạn TP Hồ Chí Minh - Long Thành bắt đầu từ km4+000 nút giao Vành đai 2 (thuộc TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) tới điểm cuối tại km25+920 nút giao đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (thuộc huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai).
Trong đó, đoạn từ nút giao Vành đai 2 đến nút giao Vành đai 3 được mở rộng lên 8 làn xe. Đoạn từ nút giao Vành đai 3 đến nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được đầu tư mở rộng lên 10 làn xe. Đoạn này cũng sẽ bố trí xây thêm cầu Long Thành 4 làn xe như cầu Long Thành hiện tại để đảm bảo khai thác đồng bộ 10 làn xe. Phương án này sẽ đáp ứng nhu cầu giao thông trên tuyến đến năm 2035, với lưu lượng khoảng 114.315 xe quy đổi mỗi ngày đêm.
Tổng mức đầu tư của dự án mở rộng là gần 15.000 tỷ đồng, bao gồm hơn 5.555 tỷ vốn chủ sở hữu , vốn vay thương mại 9.700 tỷ đồng. VEC sẽ là chủ đầu tư và chịu trách nhiệm cân đối nguồn vốn vay cho dự án. Về tiến độ, dự án sẽ thực hiện đầu tư từ tháng 3/2025 đến tháng 12/2027, thời gian có thể sẽ rút ngắn để đảm bảo kịp thời phục vụ dự án Sân bay Long Thành dự kiến hoàn thành vào năm 2026.
Dự án mở rộng này không chỉ có ý nghĩa đặc biệt với việc “giải nguy” ách tắc cho hệ thống giao thông cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây mà còn tác động trực tiếp đến tuyến đường kết nối kinh tế giữa TP Hồ Chí Minh với vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Đặc biệt, đoạn TP Hồ Chí Minh - Long Thành còn là tuyến chính kết nối TP Hồ Chí Minh với sân bay Long Thành, giảm áp lực cho các sân bay lân cận.
Đề xuất gần 34.000 tỷ đồng mở rộng cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận
Lấy ý kiến hỏa tốc tháo gỡ khó khăn cho dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng tại TP Hồ Chí Minh
TP Hồ Chí Minh phê duyệt quy hoạch khu đô thị du lịch biển 217.000 tỷ đồng
TP Hồ Chí Minh đề xuất đầu tư dự án cảng tàu khách quốc tế Nhà Rồng Khánh Hội
TP Hồ Chí Minh: 23 cụm công nghiệp có thể không còn trong quy hoạch
Tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên vận hành thương mại vào cuối quý IV/2024