Đề xuất mức chi Quỹ giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông đường bộ
Hiện Bộ Công an đang dự thảo Nghị định quy định về nguồn hình thành, hoạt động chi, thành lập, quản lý, sử dụng Quỹ giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông đường bộ (dự thảo lần 2) và lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Thực tế hiện nay cho thấy, công tác đề phòng, hạn chế tổn thất tai nạn giao thông đường bộ, tổ chức các chiến dịch tuyên truyền…còn phụ thuộc nhiều vào ngân sách hoặc từ các nguồn hoạt động xã hội của doanh nghiệp, tổ chức chính phủ, phi chính chủ ngoài nước nên không tập trung, đồng bộ, không có chiến lược toàn diện. Thậm chí, nhiều hoạt động chỉ mang hình thức quảng bá cho doanh nghiệp, sản phẩm hoặc những mục tiêu khác hơn là hoạt động xã hội, hỗ trợ nhân đạo để bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Do đó, việc lập Quỹ giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông đường bộ sẽ huy động nguồn lực xã hội hóa trong và ngoài nước tập trung cho công tác hỗ trợ nạn nhân và những hoạt động đảm bảo an toàn giao thông tự nguyện, chưa được ngân sách nhà nước hỗ trợ. Cần huy động tất cả những nguồn lực hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để hỗ trợ cho các lực lượng tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; hỗ trợ việc phòng ngừa, hạn chế tổn thất, thiệt hại và khắc phục hậu quả do tai nạn giao thông gây ra.
Theo dự thảo, thông tin về hoạt động của Quỹ (báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán, báo cáo kết quả thực hiện) sẽ được cung cấp cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật; công bố trên trang thông tin điện tử và tại trụ sở chính của cơ quan quản lý Quỹ trung ương trong ngày 31/1 hàng năm.
Các nội dung chi của Quỹ gồm: hỗ trợ nạn nhân, gia đình nạn nhân do tai nạn giao thông đường bộ gây ra; hỗ trợ tổ chức, cá nhân giúp đỡ, cứu chữa, đưa người bị tai nạn giao thông đường bộ đi cấp cứu; hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân tham gia tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia các hoạt động làm giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông đường bộ mà không được Nhà nước bảo đảm kinh phí.
Cụ thể về mức chi thăm hỏi, hỗ trợ nạn nhân bị tai nạn giao thông đường bộ, chi hỗ trợ không quá 10 triệu đồng đối với 1 người chết và không quá 5 triệu đồng đối với 1 người bị thương.
Đối với nạn nhân bị thương, gia đình có nạn nhân bị chết do tai nạn giao thông đường bộ có hoàn cảnh khó khăn trong dịp Tết Nguyên đán hoặc “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông”, mức chi thăm hỏi không quá 5 triệu đồng/nạn nhân.
Bên cạnh đó, mức chi hỗ trợ không quá 3 triệu đồng cho tổ chức, cá nhân có thành tích giúp đỡ, cứu chữa, đưa người bị tai nạn giao thông đường bộ đi cấp cứu và được cơ quan quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông từ cấp tỉnh trở lên khen thưởng.
Đồng thời, mức chi hỗ trợ không quá 2 triệu đồng cho tổ chức, cá nhân thường xuyên tham gia tuyên truyền giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông đường bộ mà không được nhà nước đảm bảo kinh phí.
Ngoài trách nhiệm quản lý và điều hành quỹ, Bộ Công an sẽ sử dụng và thanh toán, quyết toán Quỹ. Tổ chức huy động và tiếp nhận các khoản hỗ trợ, tài trợ, đóng góp tự nguyện, ủy thác của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài cho Quỹ. Tổng hợp kết quả tình hình quản lý và sử dụng Quỹ theo định kỳ hàng năm và đột xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính, chế độ kế toán đối với Quỹ giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông đường bộ theo quy định.
Ngành Đường sắt bắt đầu mở bán vé tàu dịp Hè 2025
Hà Nội ghi nhận ca tử vong đầu tiên do sởi
Dạo quanh con đường ngập sắc vàng hoa phong linh ở Hà Nội
TP Hồ Chí Minh: nữ giới, cán bộ dám nghĩ dám làm được ưu tiên thuê nhà ở xã hội
TP Hồ Chí Minh chi ngân sách 48.000 tỷ đồng làm tuyến metro số 2
Làm cộng tác viên chốt đơn hàng để lấy lãi - chiêu lừa cũ nhiều người vẫn mắc bẫy