CMNM

Đề xuất nhiều cơ chế đặc thù, chính sách đặc biệt phát triển đường sắt đô thị ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh

12:46 31/01/2025
Bộ GTVT đã đề xuất nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đến năm 2035; trong đó có một nhóm áp dụng riêng cho TP Hồ Chí Minh.

Bộ Tư pháp đang thẩm định hồ sơ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đến năm 2035.

Theo đó, tờ trình của Bộ GTVT nêu rõ dự thảo nghị quyết quy định tám nhóm chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội. Bao gồm huy động nguồn vốn; trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư; phát triển theo mô hình TOD (phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng); phát triển công nghiệp đường sắt, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực; chính sách vật liệu xây dựng và bãi đổ thải; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực…

Người dân xếp hàng chờ trải nghiệm đi Metro số 1. Ảnh: NHƯ NGỌC

Nhiều chính sách riêng cho TP Hồ Chí Minh
Đáng chú ý, Bộ GTVT đề xuất nhiều quy định, chính sách áp dụng riêng cho TP Hồ Chí Minh. Cụ thể, UBND TP quyết định điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung khu chức năng, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật của TP đã được Thủ tướng phê duyệt.

Đối với khu vực đã có quy hoạch chung hoặc quy hoạch phân khu, quy hoạch xây dựng vùng huyện được phê duyệt theo quy định của pháp luật về quy hoạch, pháp luật về xây dựng, pháp luật về quy hoạch đô thị thì không phải lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện. Nội dung này sẽ căn cứ vào quy hoạch chung hoặc quy hoạch phân khu, quy hoạch xây dựng vùng huyện và chỉ tiêu sử dụng đất đã được phân bổ từ Quy hoạch chung và các chỉ tiêu sử dụng đất của địa phương để lập kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện.

Việc lập, quyết định, quản lý quy hoạch hệ thống đường sắt đô thị và khu vực TOD được áp dụng trên cơ sở Quy hoạch TP và Quy hoạch chung, UBND TP được điều chỉnh chức năng sử dụng các khu đất trong khu vực TOD để khai thác quỹ đất và giá trị tăng thêm từ đất, phát triển các tuyến đường sắt đô thị, phát triển đô thị trong khu vực TOD.

Ngoài ra, trong khu vực TOD, UBND TP được quyết định áp dụng các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, các yêu cầu về không gian và sử dụng đất khác với quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng, bảo đảm phù hợp với Quy hoạch chung.

Riêng với khu vực đã có quy hoạch phân khu hoặc tương đương đã được phê duyệt nhưng khi lập phương án tuyến đường sắt đô thị hoặc khi lập quy hoạch khu vực TOD, cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ lập phương án tuyến, quy hoạch có đề xuất mới, khác nội dung quy hoạch đã được phê duyệt thì trình UBND TP xem xét, quyết định…

Trong khu vực TOD, TP Hồ Chí Minh sẽ được thu và sử dụng 100% tiền thu đối với các khoản thu để phát triển hệ thống đường sắt đô thị, hệ thống giao thông công cộng, hạ tầng kỹ thuật kết nối với hệ thống vận tải hành khách công cộng.

Những khoản này gồm tiền thu đối với diện tích sàn xây dựng tăng thêm của dự án xây dựng công trình dân dụng do việc tăng hệ số sử dụng đất và các chỉ tiêu quy hoạch khác của khu vực TOD. Tiền thu từ việc khai thác giá trị tăng thêm từ đất trong khu vực TOD và phí cải thiện hạ tầng.

HĐND TP sẽ quy định chi tiết việc quản lý, vận hành, khai thác đường sắt đô thị và khu vực TOD; phương pháp xác định mức thu, thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện việc thu tiền đối với các khoản thu nêu trên, bảo đảm không trùng thu với các loại thuế, phí khác.

Dự thảo nghị quyết đề xuất UBND TP được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho TP vay lại và các hình thức huy động vốn hợp pháp khác.

Bộ GTVT cũng đề xuất cho UBND TP được quyết định lựa chọn áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn cho các tuyến đường sắt đô thị của TP. Đồng thời, được phép tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất để chỉnh trang phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD) theo đồ án thiết kế đô thị riêng, đồ án quy hoạch đô thị vùng phụ cận các nhà ga thuộc tuyến đường sắt đô thị được cấp thẩm quyền phê duyệt…

Metro số 1 chính thức vận hành thương mại từ ngày 22-12. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Cơ chế đặc thù trong huy động vốn, thêm thẩm quyền cho Thủ tướng
Ngoài ra, trong quá trình chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD (gọi chung là dự án), cơ quan soạn thảo đề xuất Thủ tướng được quyết định nhiều nội dung.

Đầu tiên, được phát hành trái phiếu Chính phủ để bổ sung dự toán và kế hoạch đầu tư hàng năm cho dự án trong trường hợp dự toán ngân sách nhà nước bố trí hàng năm không đáp ứng tiến độ.

Thứ hai, sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương hằng năm (nếu có) và các nguồn vốn hợp pháp khác cho dự án trong trường hợp dự toán ngân sách nhà nước bố trí hằng năm không đáp ứng tiến độ...

Thứ ba, huy động vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi nước ngoài để thực hiện dự án và không phải lập Đề xuất dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài. Đồng thời, được áp dụng theo quy định của nhà tài trợ nước ngoài trong trường hợp pháp luật Việt Nam chưa có quy định hoặc đã có quy định nhưng khác với quy định của nhà tài trợ nước ngoài.

Bộ GTVT đề xuất ngân sách Trung ương cân đối, bố trí vốn bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn 2026-2030 và 2031- 2035 làm cơ sở quyết định đầu tư dự án và thực hiện đầu tư.

HĐND TP có trách nhiệm cân đối, bố trí vốn ngân sách địa phương trong các kỳ trung hạn và hàng năm, nguồn tăng thu, tiết kiệm chi không phải thực hiện theo thứ tự ưu tiên theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Về bố trí vốn cho các dự án, UBND TP được giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, quyết định bố trí vốn từ nguồn vốn ngân sách TP trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch đầu tư công hằng năm để triển khai các hoạt động thực hiện trước đối với dự án.

Dự án sẽ được thực hiện ngay việc lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án mà không thực hiện thủ tục lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư. UBND TP được tổ chức lập, thẩm định, quyết định đầu tư và quyết định điều chỉnh dự án.

Trình tự, thủ tục lập, thẩm định, quyết định đầu tư và quyết định điều chỉnh dự án được thực hiện tương tự như dự án nhóm A do địa phương quản lý theo quy định của pháp luật có liên quan.

Trong trường hợp kéo dài thời gian thực hiện dự án mà không làm tăng tổng mức đầu tư, UBND TP được phép gia hạn thời gian thực hiện mà không phải thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án.

UBND TP cũng được quyết định các công trình đường sắt đô thị (nhà ga, nút giao, cầu, các hạng mục công trình liên quan thuộc dự án) không phải thi tuyển phương án kiến trúc. Cùng đó là được áp dụng các hình thức chỉ định thầu như lựa chọn nhà thầu tư vấn, phí tư vấn, thi công; tổng thầu EPC, chìa khóa trao tay; nhà đầu tư dự án. Trình tự, thủ tục thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu…

“Căn cứ đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết khu vực TOD, UBND các TP được phép quyết định việc chuyển nhượng chỉ tiêu quy hoạch giữa các dự án, công trình trong khu vực TOD. HĐND TP quy định nội dung, trình tự, thủ tục thực hiện việc chuyển nhượng chỉ tiêu quy hoạch giữa các dự án, công trình trong khu vực TOD” – Bộ GTVT đề xuất.

Trước đó, kết luận tại cuộc họp về tình hình triển khai Đề án phát triển mạng lưới đường sắt đô thị Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, ngày 20/1, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã yêu cầu Bộ GTVT cùng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh khẩn trương rà soát nội dung từng cơ chế chính sách đặc biệt, đặc thù trong dự thảo nghị quyết, trình Quốc hội theo thủ tục rút gọn.

Trong đó, cần phân nhóm chính sách chung dành cho cả hai TP, bao gồm cả những chính sách mới chỉ thực hiện ở Hà Nội hoặc TP Hồ Chí Minh và nhóm chính sách riêng cho từng TP.

 

Lý do Bộ GTVT đề xuất cơ chế đặc thù, đặc biệt
TP Hà Nội hiện đã đưa vào vận hành khai thác tuyến số 2A, đoạn Cát Linh - Hà Đông, chiều dài 13 km; tuyến số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội (đoạn tuyến trên cao Nhổn Cầu - Giấy), chiều dài khoảng 8,5 km. TP Hồ Chí Minh đã vận hành, khai thác tuyến số 1, đoạn Bến Thành - Suối Tiên khoảng 19,7 km.

Dù vậy, việc triển khai đầu tư các tuyến đường sắt đô thị tại hai TP còn chậm, chưa đạt mục tiêu, nhu cầu phát triển và giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn trong thời gian qua. Do đó, theo Bộ GTVT, cần nghiên cứu giải pháp, cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để huy động nguồn lực, rút ngắn trình tự, thủ tục nhằm tạo hành lang pháp lý thông thoáng, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các tuyến đường sắt đô thị trong thời gian tới.

Hải quan hoạt động theo mô hình quản lý mới từ ngày 15/3

Toà căn hộ dịch vụ Trường Chinh 77m2 x 7 tầng xây mới thang máy - 30 phòng khép kín

245,45 Triệu/m²
77 m²
P. Phương Liên, Q. Đống Đa, Tp. Hà Nội

Nhà mặt tiền đường Hoàng Tam Kỳ, Long Bình Biên Hòa

46,13 Triệu/m²
142 m²
Đ. Hoàng Tam Kỳ, P. Long Bình, Tp. Biên Hòa, T. Đồng Nai

Chính chủ bán đất diện tích sử dụng hơn 130m2 tặng nhà tại Gia Lâm, Hà Nội

77,5 Triệu/m²
80 m²
Đ. Nguyễn Bình, X. Dương Xá, H. Gia Lâm, Tp. Hà Nội

BÁN NHÀ SÀI ĐỒNG, LONG BIÊN 112M2, 5 TẦNG, MẶT TIỀN 5M, GARA, THANG MÁY, Ô TÔ TRÁNH, 2 THOÁNG

133,93 Triệu/m²
112 m²
Đ. Vũ Xuân Thiều, P. Sài Đồng, Q. Long Biên, Tp. Hà Nội

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Diễn đàn Đô thị trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi diendandothi.kinhtedothi.vn
X