Địa đạo Củ Chi - vùng đất thép
Nằm cách TP Hồ Chí Minh 70km, địa đạo Củ Chi từ lâu đã không chỉ là một địa danh lịch sử mà còn là điểm đến nổi tiếng của Việt Nam thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Khu di tích tọa lạc tại đường tỉnh lộ 15, ấp Phú Hiệp, xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh.
Địa đạo Củ Chi hình thành trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (khoảng năm 1948). Các chiến sĩ cách mạng ẩn náu dưới những căn hầm bí mật trong vùng địch hậu, được nhân dân che chở, bảo vệ. Hầm bí mật cấu tạo theo nhiều cách, nhưng chủ yếu là trong lòng đất, chỉ có một miệng lên xuống vừa lọt vai người và có lỗ thông hơi để thở. Khi đóng nắp miệng hầm lại, kẻ thù đi trên mặt đất khó phát hiện được căn hầm.
Hệ thống địa đạo được xây dựng sớm nhất tại hai xã Tân Phú Trung và Phước Vĩnh An, cái tên Địa đạo Củ Chi cũng xuất hiện từ đó. Lúc đầu, địa đạo chỉ có những đoạn ngắn, cấu trúc đơn giản, dùng để giấu tài liệu, trú ém cán bộ trong vùng địch hậu. Sang giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, địa đạo được gia cố và mở rộng.
Với khoảng 250km đường hầm tỏa rộng như mạng nhện trong lòng đất, có các công trình liên hoàn với địa đạo như: Chiến hào, ụ, ổ chiến đấu, hầm ăn, ngủ, hội họp, sinh hoạt, quân y, kho cất giấu lương thực, giếng nước, bếp Hoàng Cầm…, nơi đây được ví như “thành phố dưới lòng đất”.
Nhưng khi xuống đây rồi, chúng ta sẽ hiểu vì sao một đất nước nhỏ bé như Việt Nam lại có thể chiến đấu và chiến thắng các đế quốc lớn. Bởi lịch sử hào hùng của dân tộc có sự kiên cường, bất khuất của chính những con người “một tấc không đi, một ly không rời”, quyết bám trụ từng mảnh đất quê hương. Theo thống kê, trong các trận chiến, Củ Chi đã phải chịu 50.454 trận càn quét và có hơn 20.000 người gồm dân và quân đã hy sinh cho sự nghiệp giải phóng đất nước.
Mới đây, địa đạo Củ Chi đã được vinh danh trong top 25 điểm đến hàng đầu châu Á do TripAdvisor công bố. Hiện TripAdvisor đang là nền tảng du lịch lớn nhất thế giới với rất nhiều lượt truy cập. Giải thưởng do nền tảng xếp hạng rất uy tín và khẳng định địa đạo Củ Chi của Việt Nam nhận được nhiều sự quan tâm của các du khách trên toàn thế giới. Đây là niềm tự hào to lớn với ngành du lịch Việt Nam.
Công trình địa đạo Củ Chi đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt vào tháng 12/2015. Dự kiến đến năm 2027, các cơ quan chức năng của TP Hồ Chí Minh sẽ hoàn thiện hồ sơ và phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tham mưu Thủ tướng Chính phủ quyết định việc đề nghị UNESCO xem xét đưa địa đạo Củ Chi vào danh mục Di sản thế giới.
Hạ Long đón những đoàn khách du lịch đầu tiên sau bão Yagi
Công viên địa chất Lạng Sơn được công nhận là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO
Đền Hát Môn được công nhận là điểm du lịch di tích quốc gia đặc biệt
Tỉnh Lạng Sơn sẽ tu bổ, tôn tạo di tích đền Vua Lê
Hà Nội được vinh danh “Điểm đến thành phố hàng đầu châu Á” năm 2024
50 hoạt động hấp dẫn phục vụ du khách dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 tại Đà Nẵng