Đồng Nai phê duyệt chủ trương đầu tư Trạm biến áp 500kV Đồng Nai 2 và đường dây đấu nối.
Mục tiêu dự án là đảm bảo cung cấp điện cho phụ tải và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Đồng Nai và các tỉnh miền Đông Nam Bộ; giảm tải cho các máy biến áp 500/220kV tại các trạm biến áp 500kV Sông Mây, Long Thành, Phú Mỹ và các đường dây 220kV hiện hữu trong khu vực; góp phần đảm bảo tiêu chí N-1, tăng cường ổn định hệ thống điện, nâng cao độ tin cậy, an toàn cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia.
Trạm biến áp 500kV Đồng Nai 2 có công suất 1.800 MVA, giai đoạn này lắp đặt 900 MVA. Đường dây 500kV gồm 2 đoạn đường dây mạch kép, chiều dài mỗi đoạn 3,5km. Đường dây 220kV gồm 4 mạch, chiều dài 11,8km. Tổng vốn đầu tư khoảng 1.808,8 tỷ đồng.
Trạm biến áp 500kV Đồng Nai 2 được xây dựng tại ấp 8, xã Xuân Bắc, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai.
Đường dây 500kV đấu nối đi trên địa phận xã Xuân Bắc, xã Suối Cao huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Đường dây 220kV đấu nối đi trên địa phận xã Xuân Bắc, xã Xuân Thọ, xã Suối Cao và xã Suối Cát huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Đường dây 22kV cấp điện thi công và tự dùng, đi qua địa phận xã Xuân Bắc, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai.
Dự án dự kiến hoàn thiện việc thi công và đóng điện trong năm 2026.

UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, chính xác, trung thực của nội dung hồ sơ dự án và các văn bản gửi cơ quan có thẩm quyền.
Tổ chức triển khai thực hiện các bước tiếp theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật hiện hành; chịu trách nhiệm về tổng vốn đầu tư dự án, cân đối tài chỉnh đảm bảo tiến độ góp vốn để thực hiện dự án.
UBND tỉnh Đồng Nai giao Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở Công Thương, Bộ phận một cửa - Chi cục Thuế khu vực XV, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, UBND huyện Xuân Lộc và các sở, ngành đơn vị có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị hướng dẫn, hỗ trợ nhà đầu tư và xử lý đúng thẩm quyền đối với nội dung về đầu tư xây dựng, đất đai, môi trường, điện lực, chính sách ưu đãi đầu tư và các nội dung khác có liên quan theo đúng quy định của pháp luật hiện hành; trường hợp vượt thẩm quyền thì kịp thời báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định.
UBND huyện Xuân Lộc chịu trách nhiệm trong việc rà soát vị trí, hướng tuyến của dự án và xử lý các vấn đề thuộc thẩm quyền liên quan quy định pháp luật về di sản văn hóa trên địa bàn huyện (nếu có); phối hợp với các đơn vị liên quan đôn đốc, theo dõi, hướng dẫn, giám sát và kiểm tra việc thực hiện đầu tư xây dựng dự án, đồng thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án tại địa phương theo quy định của pháp luật.
Hậu Giang chấm dứt hoạt động dự án nhà máy điện gió hơn 3.220 tỷ đồng
Doanh nghiệp Việt nỗ lực tìm đường phát triển
Bình Định có dự án sản xuất vật liệu cứng nhất thế giới
Hơn 400 doanh nghiệp tham gia Triển lãm Vietbuild Hà Nội 2025
Bộ Tài chính, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước phối hợp quản lý sàn giao dịch tiền mã hóa
Phó chủ tịch HĐQT TPBank bất ngờ từ nhiệm