Dự án cải tạo cống thoát nước bị đề xuất dừng vì vấn đề kinh phí
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị (chủ đầu tư) gửi UBND TP Hồ Chí Minh kiến nghị dừng dự án cải tạo cống SPR, sau khi phân tích các yếu tố khó khăn liên quan tình hình triển khai dự án.
Đây là công trình cải tạo, phục hồi đường cống thoát nước cũ với chiều dài khoảng 2,8 km ở quận 1 và 3, gồm các tuyến: Hai Bà Trưng, Yersin, Cống Quỳnh, Cách Mạng Tháng Tám.
Được duyệt năm 2017, dự án có tổng vốn 467 tỷ đồng (20,6 triệu USD), từ nguồn tài trợ của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Dự án được áp dụng công nghệ không đào hở, giúp quá trình thi công không chiếm dụng mặt đường ảnh hưởng giao thông hay chặn dòng gây cản trở thoát nước.
Công nghệ đào không hở SPR sử dụng cuộn thép mỏng được phủ nhựa bên ngoài. Cuộn thép sau đó được gắn ôm sát theo vòm cống hiện hữu và gia cố thêm bằng hỗn hợp hóa chất, tạo sự kết dính, tăng khả năng chịu lực, chống rò rỉ. Đặc biệt, công nghệ này không cần đào hở, chặn dòng, nên hạn chế cản trở thoát nước và ảnh hưởng giao thông.

Tuy nhiên, sau 7 năm, dự án vẫn chưa được triển khai thi công do vướng nhiều thủ tục, quá trình thẩm định và phê duyệt kéo dài.
Theo Ban Quản lý hạ tầng, đến nay, thiết kế xây dựng và dự toán triển khai vẫn chưa được thẩm định, phê duyệt vì chưa tuyển chọn được đơn vị tư vấn thẩm tra. Công tác sơ tuyển nhà thầu thi công cũng chưa được thực hiện.
Về tài chính, dự án mới giải ngân 20% khoản tạm ứng hợp đồng tư vấn - tương đương 6,5 tỉ đồng và chi phí quản lý năm 2023 khoảng 1,3 tỷ đồng.
Ban Quản lý hạ tầng nhận định dự án đang đối mặt với nhiều rủi ro.
Phân tích thêm về các yếu tố khó khăn khi triển khai, chủ đầu tư cho biết suất đầu tư theo phương pháp trên khá cao, gần 200 tỷ đồng/km. Trong khi dự án đầu tư xây mới hệ thống thoát nước ở Việt Nam, bình quân khoảng 40 tỷ đồng/km với cùng loại đường kính cống. Ngoài ra, công nghệ không đào không hở chưa phổ biến trong nước nên chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức đơn giá để áp dụng. Việc này gây khó khăn khi tổ chức thẩm định, phê duyệt, kiểm toán, thanh toán...
Chủ đầu tư cũng dẫn khảo sát của các chuyên gia từ thành phố Osaka năm 2015, hệ thống cống thoát nước tại TP Hồ Chí Minh đã xuống cấp (tuổi thọ trên 50 năm) với tổng chiều dài 100 km. Vì vậy sau khi dự án nói trên hoàn thành muốn nhân rộng phương pháp trên sẽ rất khó khăn, nhất là phần kinh phí.
Hơn nữa, công nghệ đào không hở SPR chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn và định mức đơn giá áp dụng tại Việt Nam. Hồ sơ dự án được lập dựa trên tiêu chuẩn của Hiệp hội xây dựng SPR Nhật Bản, gây khó khăn trong thẩm định, kiểm toán và quyết toán theo quy định pháp luật Việt Nam.
Từ các phân tích và đánh giá rủi ro, Ban Quản lý hạ tầng đã kiến nghị UBND TP Hồ Chí Minh xem xét chấp thuận dừng thực hiện dự án SPR.
Hà Nội cần giải pháp khẩn cấp để di dời, đóng cửa các cơ sở ô nhiễm nghiêm trọng
Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai 2 bị xử phạt vì hoạt động không có giấy phép môi trường
Unilever đã phủ xanh gần 700.000 cây để bảo vệ môi trường
Xử phạt hàng tỷ đồng nhiều doanh nghiệp ở Đồng Nai do vi phạm về môi trường
Quảng Nam khởi công xây dựng dự án chống xói lở, bảo vệ bờ biển Hội An
Nghiên cứu bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch theo trục đường Võ Chí Công