Gần 85% phản ánh, kiến nghị trên ứng dụng iHanoi đã được xử lý
Chiều ngày 21/11 đã diễn ra Hội nghị giao ban thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Đề án 06 của Chính phủ (Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030) trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Theo báo cáo, hiện Thành phố đã hoàn thành được 46/64 nhiệm vụ của Đề án 06 trong năm 2024, 18 nhiệm vụ còn lại đang được triển khai thực hiện thường xuyên, định kỳ. Đối với 19 nhiệm vụ trọng tâm được Tổ công tác Chính phủ giao, TP đã hoàn thành 12/19 nhiệm vụ.

Đặc biệt, có 2 nhiệm vụ mà Hà Nội đánh giá là “bước đột phá” trong cải cách hành chính. Đầu tiên là việc hợp nhất hợp nhất 03 Ban Chỉ đạo gồm Cải cách hành chính, Chuyển đổi số và Đề án 06 thành 1 Ban Chỉ đạo chung có tên là “Ban Chỉ đạo cải cách hành chính, chuyển đổi số, Đề án 06 Thành phố”. Nhiệm vụ này khi hoàn thành đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của UBND Thành phố.
Nhiệm vụ thứ hai được coi là “chưa từng có tiền lệ” khi UBND TP Hà Nội đã phê duyệt Đề án “Thí điểm thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội”. Đơn vị hành chính mới này giúp UBND TP giám sát toàn bộ các thủ tục hành chính, mang lại sự tiện lợi cho người dân và doanh nghiệp, có sự phối hợp tốt hơn giữa các sở ngành và quận, huyện.
Về kết quả của việc phát triển các ứng dụng thuộc Đề án 06 của Chính phủ, qua hơn 4 tháng triển khai, hiện ứng dụng Công dân Thủ đô số - iHanoi đã đạt trên 1 triệu người dùng. Tính đến nay, ứng dụng này đã tiếp nhận 17.083 phản ánh của người dân, doanh nghiệp và xử lý được 84,3% trong số đó. Số lượng đánh giá hài lòng và chấp nhận chiếm tới 55%.

Hiện iHanoi đã được tích hợp thêm nhiều nội dung mới như đăng ký vé tháng xe buýt, tra cứu điểm đỗ, tra cứu điểm thi tốt nghiệp THPT 2024, tuyển sinh đầu cấp, cung cấp thông tin cảnh báo về các thủ đoạn tội phạm, khảo sát ý kiến người dân về việc phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước…
Đáng chú ý, một điểm nhấn rất mới mà thành phố đã đạt được là từ ngày 11/11/2024, người dân đã có thể tích hợp VneID lên ứng dụng iHanoi. Sở dĩ được coi là điểm nhấn bởi người dân không cần phải ghi nhớ nhiều tài khoản và mật khẩu khi chỉ cần sử dụng 1 tài khoản VNeID để đăng nhập và sử dụng các dịch vụ/ứng dụng của cơ quan chính quyền Hà Nội cung cấp như ứng dụng iHanoi hay cổng dịch vụ công TP. Điều này giúp tiết kiệm tối đa thao tác, khiến người dân có trải nghiệm tiện lợi và dễ dàng hơn.

Bên cạnh đó, Hà Nội đã trở thành địa phương đầu tiên trên cả nước hoàn thành triển khai thí điểm Sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID. Các cơ sở khám chữa bệnh đã chủ động nâng cấp phần mềm, cơ sở hạ tầng để đáp ứng liên thông dữ liệu lên Cổng tiếp nhận dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, tích hợp Giấy chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh BHYT điện tử và Giấy hẹn khám lại điện tử trên ứng dụng VNeID nhằm phục vụ người dân, cơ sở y tế tra cứu thông tin và sử dụng khi đi khám chữa, bệnh tại các cơ sở y tế.
Thời gian tới, UBND TP Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp cùng Ban Chỉ đạo Ban Chỉ đạo cải cách hành chính, chuyển đổi số, Đề án 06 Thành phố để tập trung mọi nguồn lực, khắc phục những vướng mắc còn tồn đọng và hoàn thành các nhiệm vụ trong năm 2024.
Tây Hồ phát động phong trào “Bình dân học vụ số”
Viettel khởi công Trung tâm dữ liệu quy mô lớn đầu tiên tại Việt Nam
Nâng cao hiệu quả quản lý cá nhân, hộ kinh doanh thông qua chuyển đổi số
Những lợi ích của mô hình tư vấn hỗ trợ thành lập doanh nghiệp miễn phí
Công an TP Hà Nội triển khai hệ thống camera giám sát AI
Hà Nội: người dân có thể đến các điểm giao dịch BIDV để thực hiện dịch vụ công trực tuyến