Gia Lai chuyển gần 5 ha đất rừng làm kênh nhánh thủy lợi Ia Mơr
Theo đó, diện tích rừng chuyển đổi là 4,57 ha, trong đó có 3,97 ha thuộc quy hoạch đất rừng sản xuất và 0,6 ha nằm ngoài quy hoạch đất lâm nghiệp. Quyết định này nhằm cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cho hơn 3.100 ha tại tỉnh Gia Lai.
Công trình thủy lợi Ia Mơr, khởi công năm 2007 với tổng mức đầu tư gần 3.000 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, là một trong những dự án thủy lợi lớn tại Tây Nguyên. Mục tiêu của dự án là đảm bảo sản xuất, ổn định đời sống nhân dân khu vực 3 xã biên giới giáp Campuchia thuộc 2 tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk.
Mặc dù các hạng mục chính của công trình đã hoàn thành, việc triển khai hệ thống kênh nhánh gặp nhiều khó khăn do vướng mắc trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng.
Địa phương đã đề xuất chuyển đổi hơn 4.700 ha rừng tự nhiên để làm vùng tưới cho công trình thủy lợi Ia Mơr nhưng chưa được thông qua. Tuy nhiên, để bảo vệ diện tích rừng tự nhiên hiện có, tỉnh đã quyết định không thực hiện việc chuyển đổi này và tìm vùng tưới khác cho công trình.

Trong giai đoạn 2, dự án đã hoàn thiện hơn 15 km kênh chính trên địa bàn tỉnh Gia Lai, cùng với 10,5 km kênh nhánh nhỏ và 6 km hệ thống kênh bơm. Hiện tại công trình đang phục vụ nước tưới cho diện tích trên 3.100 ha, phát huy một phần công suất thiết kế.
Theo Nghị quyết số 475, UBND tỉnh Gia Lai chịu trách nhiệm về tính phù hợp với các quy hoạch, tính chính xác, đầy đủ của nội dung, số liệu, diện tích của các lô, khoảnh, tiểu khu, hiện trạng rừng thuộc diện tích chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để xây dựng dự án hệ thống kênh nhánh công trình thuỷ lợi Ia Mơr theo đúng quy định của pháp luật.
Thường trực HĐND tỉnh, các ban HĐND tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh và các cơ quan có chức năng giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện, đảm bảo tuân thủ quy hoạch tổng thể và mục tiêu phát triển bền vững của địa phương.
Ông Hoàng Bình Yên, Phó Trưởng Ban phụ trách dự án thủy lợi Ia Mơr (Ban 8 - Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, sau khi hoàn thành các thủ tục, công trình kênh nhánh này sẽ cố gắng khởi công trong năm 2025 và hoàn thành trong năm 2026 để phục vụ nhu cầu bức thiết của người dân. Theo ông Yên, dự án hoàn thành sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của người dân vùng biên giới hai tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk và ổn định đời sống người dân các khu vực lân cận.
Hà Nội cần giải pháp khẩn cấp để di dời, đóng cửa các cơ sở ô nhiễm nghiêm trọng
Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai 2 bị xử phạt vì hoạt động không có giấy phép môi trường
Unilever đã phủ xanh gần 700.000 cây để bảo vệ môi trường
Xử phạt hàng tỷ đồng nhiều doanh nghiệp ở Đồng Nai do vi phạm về môi trường
Quảng Nam khởi công xây dựng dự án chống xói lở, bảo vệ bờ biển Hội An
Nghiên cứu bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch theo trục đường Võ Chí Công