Gỡ khó cho tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng
Tiêu thụ xi măng thời gian qua gặp nhiều khó khăn.
6 quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ
Tại Chỉ thị 28/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng vừa ban hành, Thủ tướng yêu cầu quán triệt 6 quan điểm chỉ đạo: Thứ nhất, bám sát thực tiễn, kịp thời phản ứng nhanh chính sách với những vấn đề khó khăn, vướng mắc nổi lên, tổ chức thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ trong lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động sản xuất, tiêu thụ xi măng, thép xây dựng và các loại VLXD khác.
Thứ hai, phát triển ngành VLXD bảo đảm hiệu quả, bền vững, đáp ứng cơ bản nhu cầu trong nước, tăng cường xuất khẩu các sản phẩm VLXD có giá trị kinh tế cao, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ ba, tiếp cận và ứng dụng nhanh nhất các thành tựu khoa học, công nghệ, quản lý nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong sản xuất; nâng cao chất lượng sản phẩm; đa dạng hóa các chủng loại sản phẩm chất lượng cao, có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu xây dựng.
Thứ tư, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu trong sản xuất; khai thác sử dụng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản; sử dụng tối đa các chất thải, phế thải của các ngành công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng và chất thải sinh hoạt làm nguyên liệu, nhiên liệu, phụ gia cho quá trình sản xuất theo hướng kinh tế tuần hoàn; hạn chế tối đa ảnh hưởng tới môi trường trong quá trình khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản và sản xuất VLXD theo hướng sản xuất xanh.
Thứ năm, phát huy, khuyến khích các nhà đầu tư, các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển VLXD.
Thứ sau, phân bổ mạng lưới cơ sở sản xuất VLXD trên toàn quốc phù hợp với điều kiện về tự nhiên, xã hội của từng vùng, miền.
4 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm
Thủ tướng cũng yêu cầu xác bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thủ trưởng các cơ quan có liên quan tập trung thực hiện 4 nhiệm vụ và giải pháp sau:
Về cơ chế chính sách phát triển ngành: rà soát các cơ chế, chính sách, thể chế để khuyến khích đầu tư phát triển ngành VLXD nhanh và bền vững, phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, điều chỉnh giảm mặt bằng lãi suất cho vay cho các khách hàng, trong đó có doanh nghiệp trong ngành VLXD theo quy định pháp luật. Ban hành các chính sách ưu đãi về sử dụng rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp, phế thải một số ngành công nghiệp như tro xỉ, thạch cao… làm nhiên liệu, nguyên liệu thay thế trong sản xuất xi măng và các VLXD khác. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực VLXD nhất là trong hoạt động sản xuất, tiêu thụ xi măng, thép xây dựng.
Nghiên cứu điều chỉnh chính sách thuế về xuất khẩu sản phẩm clinker xi măng để bảo đảm tính cạnh tranh với các nước cùng xuất khẩu mặt hàng này, đồng thời phù hợp với Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) về việc không đánh thuế xuất khẩu hàng hóa với các nước ký Hiệp định.
Tăng cường các biện pháp về phòng vệ thương mại, hàng rào kỹ thuật, chống bán phá giá đối với các sản phẩm sắt thép, các sản phẩm VLXD như gạch ốp lát nhập khẩu, ván sợi gỗ (LDF/MDF/HDF), sứ vệ sinh, kính xây dựng… nhằm loại bỏ các hành vi cạnh tranh không công bằng và bảo đảm phù hợp với những quy định của Việt Nam và WTO.
Về áp dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi sản xuất của ngành, nhất là sản xuất xanh: chủ động đổi mới, áp dụng linh hoạt công nghệ cao, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn để giảm giá thành, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm.
Về thị trường: tăng cường dự báo diễn biến trong và ngoài nước để chủ động có các giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả, giúp cho doanh nghiệp có các định hướng ổn định sản xuất, kinh doanh; chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống hàng giả, hàng nhái; mở rộng thị trường cả trong và ngoài nước.
Đẩy mạnh đầu tư công, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, nông thôn, các công trình quốc phòng, an ninh, công trình biển và hải đảo phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế biển.
Tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, nhà ở; đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh bền vững.
Đẩy mạnh triển khai Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp và các chương trình, dự án xây dựng nhà ở khác để tiêu thụ VLXD.
Nghiên cứu tăng tỷ lệ lựa chọn phương án sử dụng cầu cạn bê tông cốt thép đối với các dự án đường bộ cao tốc, đặc biệt là ở những vùng có yêu cầu thoát lũ, vùng đất yếu có chiều sâu lớn và những vùng thiếu vật liệu đắp nền đường như vùng đồng bằng sông Cửu Long; nghiên cứu sử dụng tối đa gia cố đất bằng xi măng trong xây dựng đường bộ tại khu vực đầu cầu, cống, các vị trí có chiều cao đắp lớn, các vị trí có chiều sâu đất yếu lớn…
Đẩy mạnh xây dựng các công trình chống biến đổi khí hậu như đê chắn sóng, các công trình chống sạt lở, gây lún đất các khu vực bị tác động.
Ưu tiên đầu tư đường bê tông xi măng trong phát triển đường giao thông nông thôn miền núi, khu vực địa hình khó khăn, độ dốc lớn và tại những vùng, khu vực thường xuyên bị ngập nước.
Về hợp tác quốc tế: đẩy mạnh hợp tác đầu tư, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ, quản trị doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả, tiết kiệm nguyên, nhiên liệu, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường trong lĩnh vực VLXD.
Hoàn thiện cơ chế, chính sách
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050 tại Quyết định số 1266/QĐ-TTg ngày 18/8/2020; Chương trình phát triển VLXKN tại Việt Nam đến năm 2030 tại Quyết định số 2171/QĐ-TTg ngày 23/12/2021 và các văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, đề án liên quan đến VLXD để điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội.
Triển khai hiệu quả Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm VLXD thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1626/QĐ-TTg ngày 15/12/2023 và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm VLXD thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 711/QĐ-TTg ngày 24/7/2024.
Đôn đốc các doanh nghiệp VLXD, đặc biệt là xi măng tiết giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm năng lượng, đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, tăng cường đầu tư các hệ thống phát điện nhiệt dư và sử dụng các loại nhiên liệu thay thế từ rác thải, sử dụng các nguyên liệu thay thế là phế thải của các ngành công nghiệp như tro xỉ, thạch cao.
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn và triển khai các biện pháp về hàng rào kỹ thuật đối với các sản phẩm VLXD nhập khẩu, đặc biệt là gạch ốp lát, sứ vệ sinh và kính xây dựng, bảo đảm phù hợp với những quy định về Tự do thương mại của WTO; chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, đẩy mạnh triển khai Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp và các chương trình, dự án xây dựng nhà ở khác.
Bộ Công Thương khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển ngành Thép Việt nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, lĩnh vực thép xây dựng cần được bảo đảm cân đối cung cầu và đầu tư phát triển bền vững.
Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển lĩnh vực thép xây dựng như: các chính sách về thuế các loại (thuế nhập khẩu, thu nhập doanh nghiệp…), thu hút đầu tư, xây dựng tiêu chuẩn quốc gia; phân cấp, phân quyền trong công tác quản lý lĩnh vực thép xây dựng.
Chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan trong việc xem xét hồ sơ đề nghị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, tiến hành điều tra theo quy định và kịp thời ban hành các biện pháp cụ thể về phòng vệ thương mại đối với các sản phẩm sắt thép và các sản phẩm VLXD như gạch ốp lát nhập khẩu, ván sợi gỗ (LDF/MDF/HDF), sứ vệ sinh, kính xây dựng… bảo đảm phù hợp với những quy định của pháp luật Việt Nam và WTO.
Chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các hội, hiệp hội nghề đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường nước ngoài để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu clinker và xi măng; thép xây dựng, tôn mạ và các sản phẩm thép.
Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng
Bộ Tài chính chủ trì xây dựng Nghị định sửa đổi Nghị định số 26/2023/NĐ-CP ngày 31/5/2023 về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan; nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh theo hướng áp dụng thuế suất thuế xuất khẩu mặt hàng clinker xi măng ở mức phù hợp để tháo gỡ khó khăn về tiêu thụ sản phẩm hiện nay.
Chủ trì xây dựng Nghị định hướng dẫn Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) sau khi được Quốc hội thông qua; nghiên cứu quy định về sản phẩm clinker xi măng theo hướng "sản phẩm clinker xi măng thuộc đối tượng chịu thuế GTGT" kể cả tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất các sản phẩm VLXD trong nước có chất lượng thay thế VLXD nhập khẩu, thân thiện môi trường, các sản phẩm VLXD chế biến sâu để xuất khẩu theo cơ chế, chính sách hiện hành; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư các trạm nghiền, trạm phân phối xi măng ở những địa phương không sản xuất được clinker và có nguồn phụ gia, tận dụng được tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện.
Giải quyết kịp thời các thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, thuê đất đối với các dự án đầu tư khai thác khoáng sản làm VLXD và sản xuất VLXD. Đồng thời, khi xem xét, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án sản xuất VLXD cần cân nhắc kỹ để tránh việc đầu tư dư thừa, dẫn đến cung vượt cầu, gây lãng phí nguồn lực xã hội.
Đồng thời, các địa phương đẩy mạnh các dự án đầu tư công, nhà ở xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, nông thôn, phòng chống thiên tai trên địa bàn để tăng lượng sử dụng xi măng, sắt thép và các VLXD khác.
Minh Phương
Quảng Nam: đấu giá mỏ đá hơn 5,5ha và 2 mỏ đất san lấp diện tích hơn 18ha ở Phù Ninh
Cấp phép khai thác khoáng sản phục vụ các công trình giao thông trọng điểm
Sắp diễn ra Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam năm 2024
Xây dựng và triển khai các nhiệm vụ ứng phó với Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon
Quảng Nam: Công trình đường tránh lũ kết hợp phát triển đô thị Nam Phước thiếu hơn 223.000m3 đất đắp
Thừa Thiên - Huế yêu cầu tạm dừng khai thác tại 8 mỏ khoáng sản