Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng chế phẩm sinh học trong nông nghiệp tại 18 quận, huyện
Vấn đề cấp thiết
Hiện nay, mỗi năm Hà Nội có khoảng gần 5 triệu tấn phân gia súc, gia cầm tại các trang trại, gia trại và hộ chăn nuôi. Ngoài ra, còn có các loại phế phụ phẩm khác trong nông nghiệp (rơm, rạ, cỏ dại, lá rau, mùn cưa, tro, trấu...) sẵn có tại địa phương. Đây là những nguồn nguyên liệu phân hữu cơ lớn cung cấp cho sản xuất trồng trọt, nếu tận dụng hiệu quả sẽ giúp cung ứng một lượng dinh dưỡng lớn cho cây trồng, hạn chế tối đa việc sử dụng phân hóa học, vừa giảm chi phí, vừa nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tạo đất, giảm ô nhiễm môi trường góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững.
Trong những năm gần đây, tỷ lệ đốt rơm rạ ở các huyện ngoại thành của TP Hà Nội còn khá phổ biến, trung bình chiếm khoảng 20% tổng lượng rơm rạ phát sinh. Kết quả điều tra của Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) đến hết năm 2022 toàn TP vẫn có tỷ lệ đốt rơm rạ sau thu hoạch là 11,47%, một số huyện có tỷ lệ đốt rơm rạ cao như: Quốc Oai 45,4%, Hoài Đức 34,5%,...Việc đốt rơm rạ khiến lượng khí phát thải ra môi trường cũng tăng cao. Giá trị phát thải từ việc đốt rơm rạ trong năm 2022 là 758 tấn bụi mịn PM2.5, 8.408 tấn CO và 107.577 tấn CO2... Nguồn khói bụi này gây ô nhiễm trực tiếp đến khu vực nội thành, lan truyền khí bụi.

Trước tác hại của việc đốt rơm rạ, TP Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp hạn chế, tiến tới đẩy lùi tình trạng này nhưng triển khai chậm và hiệu quả chưa cao. Đến nay, trên địa bàn TP Hà Nội còn 8/19 quận, huyện, thị xã thường xuyên xảy ra tình trạng đốt phụ phẩm nông nghiệp, rơm rạ trên đồng ruộng, vi phạm nghiêm trọng. Năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, hành vi đốt rơm rạ, ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của người dân sẽ bị xử phạt.
Ngoài ra, tỷ lệ rác thải được thu gom và xử lý tại các huyện ngoại thành trên 88%. Số lượng còn lại tồn đọng ở một số nơi, chưa được xử lý kịp thời đã gây ô nhiễm môi trường và làm mất mỹ quan đô thị. Nước thải sinh hoạt cũng có thể trở thành một nguồn gây ô nhiễm nếu không xử lý hợp lý. Ước tính trung bình một ngày, khu vực các huyện ngoại thành Hà Nội năm 2020 sẽ sử dụng từ 400 nghìn – 600 nghìn m³ nước. Lượng nước sinh hoạt một phần tái sử dụng trong tưới tiêu, một phần được xả thải trực tiếp ra môi trường tự nhiên.
Do đó, việc ban hành Đề án “Xây dựng 2 mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong xử lý rác thải hữu cơ sinh hoạt, phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón cho cây trồng và xử lý ô nhiễm môi trường chăn nuôi trong các hộ nông dân giai đoạn 2024- 2028” là cần thiết nhằm bước nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho mỗi cán bộ, hội viên, nông dân, khuyến khích, cổ vũ, động viên nông dân tích cực sử dụng chế phẩm sinh học để bảo vệ môi trường.
Đẩy mạnh mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học
Đề án xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong xử lý rác thải hữu cơ sinh hoạt, phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón cho cây trồng và xử lý ô nhiễm môi trường chăn nuôi trong các hộ nông dân giai đoạn 2025-2028 tập trung giải quyết những vấn đề trong công tác xử lý môi trường nông thôn. Phạm vi thực hiện tại 18 huyện, thị xã trên địa bàn TP.
Đề án trên hướng đến mục tiêu đến năm 2028, có 100% Hội Nông dân cấp xã xây dựng được ít nhất 1 mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn, trong đó có 50% số xã xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong xử lý rác thải hữu cơ sinh hoạt, phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón cho cây trồng và xử lý ô nhiễm môi trường chăn nuôi.

Đồng thời, trong giai đoạn 2025-2028, Hội Nông dân TP Hà Nội sẽ tổ chức 170 lớp tập huấn tuyên truyền và hướng dẫn cho 25.500 hội viên nông dân về sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý rác thải hữu cơ sinh hoạt và phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón cho cây trồng và xử lý ô nhiễm môi trường chăn nuôi.
Khoảng 80% hộ hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ký cam kết thực hiện việc thu gom, phân loại, xử lý rác thải hữu cơ sinh hoạt, phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón cây trồng và xử lý môi trường chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm gắn với thực hiện cuộc vận động “Vì môi trường trong sạch, vì sức khỏe cộng đồng, nông dân Hà Nội chỉ sản xuất, chế biến, sử dụng và bán ra thị trường những sản phẩm nông nghiệp an toàn”.
Cụ thể, TP sẽ tiếp tục tổ chức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường và giao chỉ tiêu thi đua và hướng dẫn các cấp Hội đăng ký xây dựng các mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn và đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện cuộc vận động “Vì môi trường trong sạch, vì sức khoẻ cộng đồng, nông dân Hà Nội chỉ sản xuất, chế biến, sử dụng và bán ra thị trường những sản phẩm nông nghiệp an toàn”.
Cũng như mở các lớp tập huấn nâng cao nhận thức và hướng dẫn kỹ thuật xử lý rác thải hữu cơ sinh hoạt, phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón cho cây trồng và xử lý ô nhiễm môi trường chăn nuôi cho hội viên nông dân và xây dựng mô hình nông dân tham gia thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ trong sinh hoạt, phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón cho cây trồng và xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học.
Hà Nội sẽ triển khai mô hình xử lý rác thải hữu cơ sinh hoạt trong các hộ nông dân tại 18 huyện, thị xã (mỗi huyện, thị xã chọn 2-3 xã làm mô hình điểm/năm). Mô hình nông dân xử lý phụ phẩm nông nghiệp (đốt rơm rạ ảnh hưởng đến an toàn bay) sẽ được thí điểm tại các huyện Đông Anh, Mê Linh và Sóc Sơn và mô hình nông dân xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi tại các huyện lân cận nội thành.
Hội Nông dân TP có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, Sở Tài chính Hà Nội, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Sở Khoa học để thực hiện đề án trên. Hàng năm đánh giá kết quả triển khai thực hiện Đề án, tổng hợp các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện, đề xuất UBND TP điều chỉnh, bổ sung để thực hiện có hiệu quả mục tiêu Đề án.
Giao thông xanh gắn với cách mạng công nghiệp 4.0
Trạm xử lý nước thải công suất 7.600m3 ở quận Long Biên sắp vận hành
Hà Nội đẩy nhanh tiến độ làm sạch sông Tô Lịch, đảm bảo sau tiếp nước không còn mùi ô nhiễm
Hà Nội sẽ đầu tư, xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Sơn Tây
Hà Nội tăng cường Triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy rừng
Hình ảnh xây đập dâng, giữ nước sông Tô Lịch