Hà Nội đưa ra giải pháp đột phá phát triển hệ thống đường sắt đô thị
Sáng 17/8, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) chủ trì Hội nghị lần thứ tư của Hội đồng.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn tham luận một số nội dung đánh giá liên quan đến phương án hoàn thiện mạng lưới đường sắt đô thị TP Hà Nội – lĩnh vực trọng tâm phát triển của TP Hà Nội trong thời gian tới.
Vận hành 10 tuyến đường sắt đô thị đến năm 2035
Vừa qua, TP đã đưa vào vận hành tuyến đường sắt đô thị số 2A (Cát Linh - Hà Đông) và tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội (đoạn trên cao) vào ngày 8/8/2024 đã được người dân Thủ đô đánh giá rất cao, đón nhận và cũng là những cột mốc đáng nhớ của Thành phố.
TP đã chủ động, phối hợp với các địa phương lân cận thống nhất, quy mô, hướng tuyến các tuyến giao thông kết nối, đặc biệt là các tuyến đường sắt đô thị (cập nhật tại Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô), phục vụ kết nối giao thông, liên kết vùng nhằm tạo động lực, không gian phát triển đô thị và hành lang giao thông mới liên tục thông suốt giữa TP Hà Nội và các địa phương trong khu vực.
Đã chủ trì xây dựng, phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương hoàn chỉnh Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô theo chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/02/2023.
Trong đó, phấn đấu đến năm 2035: hoàn thành đầu tư xây dựng, vận hành 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài khoảng 410,8km (bao gồm các Tuyến đã đi vào vận hành, khai thác: tuyến 2A Cát Linh - Hà Đông và đoạn trên cao tuyến số 3.1 Nhổn - Cầu Giấy); với nhu cầu vốn: giai đoạn 2024-2030, xây dựng 96,8km, sơ bộ như cầu vốn khoảng 14,6 tỷ USD; giai đoạn 2031-2035: xây dựng 301km, sơ bộ nhu cầu vốn khoảng 22,5 tỷ USD. Tổng nhu cầu vốn đến năm 2035 cần khoảng 37,2 tỷ USD. Qua rà soát các nguồn vốn đầu tư công, tổng hợp khả năng cân đối các nguồn vốn có thể huy động khác của TP đến năm 2035 là khoảng 28,56 tỷ USD. Như vậy, đến năm 2035 TP cần Trung ương hỗ trợ khoảng hơn 8,6 tỷ USD.
Đến năm 2045, TP đầu tư xây dựng hoàn thành 5 tuyến còn lại (201km), hoàn thành đưa vào vận hành, khai thác tổng thể hệ thống đường sắt đô thị Thủ đôb(15 tuyến, đoạn tuyến điều chỉnh, bổ sung với tổng chiều dài khoảng 616,9km. với nhu cầu vốn giai đoạn này khoảng khoảng 18,252 tỷ USD.
Hiện nay, TP đang tổ chức nghiên cứu, triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị: tuyến số 2.1 (Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo), tuyến số 3.2 (ga Hà Nội - Hoàng Mai), tuyến số 5 (Văn Cao - Hòa Lạc), tuyến số 2A kéo dài (Hà Đông - Xuân Mai),…Ngày 28/6/2024, Quốc hội đã thông qua, ban hành Luật Thủ đô; theo đó, việc đầu tư phát triển đường sắt đô thị tại Thành phố được ưu tiên áp dụng mô hình TOD, bảo đảm hiện đại, đồng bộ, bền vững.
Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, việc phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP Hà Nội còn nhiều thách thức. Theo Phó Chủ tịch UBND TP, để có thể tiệm cận mục tiêu đã được Bộ Chính trị định hướng sự phát triển của Thủ đô trong giai đoạn tới tại Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/2/2023; trong đó yêu cầu “Hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hà Nội (có tính kết nối với vùng Thủ đô) và TP Hồ Chí Minh vào năm 2035)” và việc nghiên cứu kết nối với các tỉnh lân cận thông qua các tuyến đường sắt đô thị.
Cụ thể, (1). Tỉnh Hưng Yên (thông qua tuyến đường sắt đô thị số 1: đoạn Gia Lâm - Lạc Đạo tại ga Lạc Đạo); (2). Tỉnh Bắc Ninh (thông qua tuyến đường sắt đô thị số 1: đoạn Yên Viên - Ngọc Hồi tại ga Yên Viên); (3). Tỉnh Hòa Bình (thông qua tuyến đường sắt đô thị số 5 tại ga Thạch Bình và tuyến ĐSĐT số 2A kéo dài đến Xuân Mai tại ga Xuân Mai); (4). Tỉnh Vĩnh Phúc (thông qua tuyến đường sắt đô thị số 3 đoạn kéo dài đến Sơn Tây tại ga Sơn Tây dự kiến và theo tuyến ĐSĐT Mê Linh - Cổ Loa - Dương Xá tại ga Mê Linh); (5). Tỉnh Hà Nam (thông qua tuyến đường sắt đô thị số 1A: tuyến kéo dài sân bay thứ 2 phía Nam) nhằm kéo giãn các hoạt động kinh tế - xã hội tập trung ở khu vực nội đô ra những khu vực đô thị mới theo định hướng quy hoạch Vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 368/QĐ-TTg ngày 04/5/2024 cũng là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển của TP Hà Nội.
Đẩy nhanh tiến độ Đề án tổng thể tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô
Để tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được, khắc phục kịp thời các tồn tại, hạn chế như đã nêu, giải quyết các vấn đề phát sinh trong bối cảnh, tình hình mới của đất nước, trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn cho biết, TP Hà Nội sẽ tiếp tục các giải pháp đột phá sau đây để phát triển hệ thống đường sắt đô thị:
Một là, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện, cụ thể hóa các cơ chế chính sách đã được định hướng trong Luật Thủ đô (sửa đổi) trong khuyến khích đầu tư nhằm thu hút, hấp dẫn các nhà đầu tư tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giảm áp lực ngân sách, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đầu tư cơ sở hạ tầng theo quy hoạch đã được phê duyệt.
Hai là, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện Đề án tổng thể tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô báo cáo cấp có thẩm quyền trình Bộ Chính trị, Quốc hội xem xét, thông qua các cơ chế, chính sách đặc thù làm cơ sở triển khai thực hiện.
Ba là, tập trung nguồn lực đầu tư các tuyến ĐSĐT tại khu vực đô thị trung tâm nhằm giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng. Trong đó, ưu tiên triển khai bước các tuyến đã có nghiên cứu chuẩn bị đầu tư, thiết kế chi tiết (tuyến số 1, đoạn Ngọc Hồi - Yên Viên; tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo; tuyến số 3, đoạn Cầu Giấy - ga Hà Nội - Hoàng Mai; tuyến số 5: Văn Cao - Hòa Lạc).
Bốn là, tập trung phát triển tổ hợp ga Ngọc Hồi - là ga trung tâm tích hợp đường sắt quốc gia, đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị. Đối với việc phát triển các trung tâm logistic lớn cần xác định điều kiện tiên quyết là phải có các nhánh đường sắt đi vào để giảm thiểu chỉ phí vận tải. Đồng thời có chính sách phù hợp để đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư và từng bước chủ động việc phát triển mạng lưới đường sắt đô thị.
Năm là, có chiến lược riêng về mô hình TOD, xem đây là một giải pháp trọng tâm, ưu tiên để phát triển đô thị bền vững. TOD phải được nhìn nhận trên góc độ tổng thể phát triển/tái phát triển đô thị, cấu trúc/tái cấu trúc đô thị, không chỉ nhìn nhận riêng rẽ từ góc độ lĩnh vực giao thông vận tải; Quy hoạch, khai thác triệt để không gian ngầm khu vực nhà ga, đề po của các tuyến đường sắt đô thị trong khu vực nội đô lịch sử (từ Vành đai 3 trở vào) do khu vực này cơ bản đã khai thác hết không gian trên mặt đất, mật độ đô thị cao.
Sáu là, phối hợp chặt chẽ với các tỉnh lân cận nhằm cụ thể hóa các định hướng kết nối, thống nhất quy chuẩn, tiêu chuẩn áp dụng đối với hệ thống đường sắt đô thị giữa các địa phương trên cơ sở định hướng triển khai tại các đồ án quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tăng cường kết nối giữa các tuyến đường sắt đô thị với các trung tâm logistic, khu đô thị mới…
TP Hà Nội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm quyết định lựa chọn công nghệ để thực hiện đồng bộ trên toàn quốc; đảm bảo hệ thồng đường sắt đô thị đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, về các yếu tố đầu máy, toa xe, đường ray,… và đặc biệt là đồng bộ về kết nối hệ thống, kết nối liên vùng giữa các tỉnh, thành phố trong tương lai.
3 kịch bản tăng trưởng của Hà Nội trong năm 2025
Năm 2024, Hà Nội đã giải quyết việc làm cho 196 nghìn lao động
Hà Nội: khai mạc Hội nghị lần thứ 20, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố khóa XVII
Tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Ất Tỵ 2025
Hoàn thành bổ cập nước hồ Tây về sông Tô Lịch trước 2/9/2025
Tạm dừng tuyển dụng công chức từ ngày 1/12: quyết tâm tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị