Hà Nội: hai làng nghề thủ công truyền thống sẽ đón nhận bằng vinh danh vào ngày 14/2
Theo chia sẻ của Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới TP Hà Nội Nguyễn Văn Chí, sau quá trình thẩm định, đánh giá, 2 làng nghề gốm sứ Bát Tràng và làng nghề dệt lụa Vạn Phúc của Hà Nội chính thức được công nhận là thành viên của mạng lưới các TP thủ công sáng tạo trên toàn Thế giới. Đây là 2 làng nghề truyền thống đầu tiên của Việt Nam được phê duyệt trở thành thành viên của mạng lưới các TP thủ công sáng tạo trên toàn thế giới.

Kết quả này đã giúp Hà Nội khẳng định vị thế trên bản đồ văn hóa thế giới, đồng thời là cơ hội để các làng nghề nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo tồn giá trị truyền thống, mở rộng thị trường, đẩy mạnh giao lưu văn hóa quốc tế và thúc đẩy phát triển bền vững.
Hội đồng Thủ công Thế giới (WCC-International) có văn phòng đặt tại Thủ đô Cô-oét, là một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế được thành lập từ năm 1964, với mục tiêu thúc đẩy việc bảo tồn, phát huy và phát triển nghề thủ công toàn cầu và các nghề thủ công truyền thống. Hội đồng Thủ công thế giới quản lý 5 Hội đồng thủ công thành viên gồm: Hội đồng Thủ công khu vực châu Á Thái Bình Dương, Hội đồng Thủ công châu Âu, Hội đồng Thủ công châu Phi, Hội đồng Thủ công Bắc Mỹ và Hội đồng Thủ công Nam Mỹ. Đến nay, Hội đồng Thủ công Thế giới có hơn 100 quốc gia thành viên.
Sau 60 năm thành lập, Hội đồng Thủ công Thế giới đã công nhận được 68 làng nghề thủ công thế giới của 27 quốc gia trên thế giới, trong đó 2 làng nghề gốm Bát Tràng và lụa Vạn Phúc của TP Hà Nội là làng nghề thứ 67 và 68 được công nhận và Việt Nam là quốc gia thứ 28 có làng nghề được công nhận là làng nghề thủ công thế giới.
Bát Tràng và Vạn Phúc là hai làng nghề truyền thống nổi tiếng của Việt Nam, đại diện cho tinh hoa thủ công mỹ nghệ. Làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) có lịch sử hơn 500 năm, nổi tiếng với các sản phẩm gốm sứ tinh xảo, mang đậm nét văn hóa Việt. Gốm Bát Tràng không chỉ phục vụ đời sống mà còn có giá trị nghệ thuật cao, xuất khẩu đi nhiều nước. Trong khi đó, làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội) từ lâu được biết đến với những tấm lụa mềm mại, tinh tế, và đang không ngừng đổi mới để phù hợp với thị hiếu hiện đại. Cả hai làng nghề đều là niềm tự hào của người Việt, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Việc được một tổ chức quốc tế công nhận chính là cơ hội để các làng nghề quảng bá hình ảnh và sản phẩm ra thế giới, đồng thời là tiền đề để giao lưu, học hỏi, để tạo tác ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đương đại của thế giới nhưng vẫn giữ được hồn cốt và văn hóa bản địa.
Lễ đón nhận làng nghề gốm sứ Bát Tràng và dệt lụa Vạn Phúc là thành viên của Mạng lưới các Thành phố thủ công sáng tạo toàn cầu và sự kiện trưng bày, trình diễn, tạo tác sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2025 sẽ chính thức diễn ra vào lúc 19h30 ngày 14/2/2025 tại Hoàng Thành Thăng Long. Đặc biệt, ngay sau lễ đón nhận, sẽ có không gian trưng bày các sản phẩm gốm sứ Bát Tràng và lụa Vạn Phúc do các nghệ nhân và doanh nghiệp nổi tiếng giới thiệu, giúp quan khách có cơ hội chiêm ngưỡng và tìm hiểu về quá trình sản xuất, chế tác. Ngoài ra, du khách còn được trực tiếp giao lưu trao đổi với những nghề nhân tài năng, những bậc thầy về nghề gốm sứ và dệt lụa trong và ngoài nước.
Khám phá rừng hoa ban cổ thụ bản Nậm Cứm
Xếp hàng chụp ảnh cùng cây gạo di sản ở Bắc Giang
Festival Phụ nữ Thủ đô vì hòa bình, phát triển thu hút người dân và du khách
Đặc sắc Lễ hội truyền thống làng gốm Bát Tràng
Mùa hoa sơn tra trên bản Nậm Nghiệp
"Thả dáng" cùng hoa ban trên con phố lãng mạn bậc nhất Thủ đô