Hà Nội: quận, huyện, thị xã được ủy quyền nhiệm vụ để xây dựng, cải tạo lại nhà chung cư

Cụ thể, UBND TP Hà Nội ủy quyền cho UBND quận, huyện, thị xã nơi có nhà chung cư được tổ chức lập, phê duyệt phương án bồi thường, tái định cư theo quy định của Luật Nhà ở ngày 27/11/2023 (khoản 2, Điều 70 và khoản 2, Điều 71) và Nghị định số 98/2024/NĐ-CP ngày 25/7/2024 của Chính phủ (khoản 4, Điều 16; khoản 8, Điều 17 và khoản 9, Điều 18).
Ngoài ra, UBND quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP Hà Nội có quyền ban hành quyết định di dời khẩn cấp và tổ chức di dời chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư thuộc trường hợp di dời đến chỗ ở tạm thời theo quy định của Luật Nhà ở ngày 27/11/2023 (khoản 1, Điều 73). Cũng như ban hành quyết định di dời theo phương án bồi thường, tái định cư đã được phê duyệt theo quy định của Luật Nhà ở ngày 27/11/2023 (khoản 2, Điều 73).
Đồng thời, UBND quận, huyện, thị xã cũng có quyền ban hành quyết định cưỡng chế di dời đối với chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư không thực hiện di dời theo quy định của Luật Nhà ở ngày 27/11/2023 (khoản 1, Điều 74).
UBND quận, huyện, thị xã cũng được cấp quyền tổ chức xác định hệ số K áp dụng cho từng vị trí, khu vực có nhà chung cư thuộc diện cải tạo, xây dựng lại trên địa bàn mình quản lý theo quy định của Luật Nhà ở ngày 27/11/2023 (điểm đ, khoản 1, Điều 71), Nghị định số 98/2024/NĐ-CP ngày 25/7/2024 của Chính phủ (khoản 1, Điều 28).
UBND TP Hà Nội sẽ trao quyền tổ chức lập, phê duyệt Kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cho từng dự án thuộc địa bàn mình quản lý theo quy định của Luật Nhà ở ngày 27/11/2023 (khoản 1, Điều 65; Điều 66), Nghị định số 98/2024/NĐ-CP ngày 25/7/2024 của Chính phủ (khoản 1, Điều 5; Điều 7; Điều 8) cho UBND quận, huyện, thị xã.
Theo Quyết định, thời hạn ủy quyền các nội dung trên là 2 năm kể từ ngày ký (12/11/2024). Trong thời gian trên, UBND quận, huyện, thị xã) có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện các nội dung được ủy quyền và chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật và UBND TP về việc thực hiện các nội dung được ủy quyền, đảm bảo tuân thủ đúng theo quy định. Sở Xây dựng có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành TP, đơn vị liên quan hướng dẫn chi tiết thực hiện các nội dung và đôn đốc, tổng hợp, đề xuất các biện pháp xử lý tồn tại, bất cập trong việc thực hiện.
Hiện nay, Hà Nội là một trong những địa phương đứng đầu cả nước về số lượng các căn chung cư. Tính từ đầu năm đến hết tháng 9, tổng số căn hộ chung cư mới chào bán tại Hà Nội đã vượt 19.000 căn và dự kiến đạt gần 30.000 căn vào cuối năm. Đặc biệt, hiện Hà Nội còn hơn 1.500 căn nhà chung cư cũ, nhà tập thể xuống cấp, gây mất an toàn và ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị nghiêm trọng. Việc di dời, xóa bỏ những căn nhà xuống cấp này vẫn luôn là vấn đề nhức nhối của Thủ đô trong nhiều năm qua.
Việc ủy quyền cho các quận, huyện, thị xã thực hiện các nhiệm vụ xây dựng và cải tạo lại nhà chung cư được kỳ vọng mang lại nhiều lợi ích thiết thực, góp phần thúc đẩy sự phát triển đô thị nhanh chóng và hiệu quả. Đồng thời, việc này giúp rút ngắn quy trình phê duyệt và triển khai dự án, giảm bớt sự chồng chéo trong quản lý và dễ dàng điều chỉnh kế hoạch phù hợp với nhu cầu thực tế của người dân, đặc biệt với những trường hợp nhà ở xuống cấp, gây mất an toàn.
Hình ảnh tháo dỡ công trình vi phạm trên 4,3ha đất nông nghiệp ở Mễ Trì
Hiện trạng vườn hoa Lý Thái Tổ trước ngày cải tạo
Hà Nội: tăng cường tuần tra, xử lý vi phạm tại phố "cà phê đường tàu"
Hà Nội lập tổ công tác liên ngành thẩm định dự án cầu Tứ Liên
Quận Ba Đình nghiên cứu phương án cải tạo, tái thiết chợ Long Biên
Sân Pickleball trên đất xây chung cư Five Star Residence Cầu Giấy vẫn hoạt động nhộn nhịp