Hà Nội sẽ tổ chức Festival bảo tồn và phát triển làng nghề quốc tế trong năm 2025
Theo kế hoạch này, năm 2025, Hà Nội triển khai thực hiện Đề án tổng thể phát triển làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. TP sẽ nghiên cứu xây dựng chính sách tổng thể hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề TP Hà Nội quy định tại Nghị định số 52/2018/NĐCP ngày 12/4/2018 của Chính phủ và Luật Thủ đô 2024.
TP cũng xét công nhận 10 danh hiệu “Làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống” Hà Nội năm 2025 cho các làng. Bên cạnh đó, Hà Nội tổ chức Hội thi sản phẩm làng nghề TP năm 2025; tổ chức Festival bảo tồn và phát triển làng nghề quốc tế năm 2025. Đồng thời, đề xuất Hội đồng thủ công thế giới đánh giá, xem xét công nhận 2 làng nghề trở thành thành viên của Mạng lưới các TP thủ công sáng tạo thế giới.

Để triển khai kế hoạch, Hà Nội thực hiện một số giải pháp, trong đó có việc xây dựng và thực hiện các chính sách; áp dụng khoa học và công nghệ; đào tạo nhân lực; tuyên truyền, quảng bá và xúc tiến thương mại; hỗ trợ vốn và phổ biến chính sách thuế… Hà Nội cũng thực hiện phát triển, bảo tồn làng nghề gắn với du lịch, giáo dục trải nghiệm.
Đối với kinh phí triển khai, UBND TP giao các sở, ngành, quận, huyện, thị xã, đơn vị liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ chủ động thực hiện kế hoạch từ nguồn kinh phí được giao của UBND TP về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách năm 2025 của TP Hà Nội và các nguồn kinh phí hợp pháp khác (nếu có) theo quy định của pháp luật.
Thủ đô Hà Nội được xem là “cái nôi” của cả nước khi có đến hơn 1.350 làng nghề và làng có nghề, hội tụ 47/52 nghề trong tổng số nghề truyền thống. Theo thống kê của Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, toàn TP hiện có 327 làng nghề, làng nghề truyền thống thuộc 24 quận, huyện, thị xã, đã được UBND TP Hà Nội công nhận.
Các làng nghề của Hà Nội hoạt động trong đa dạng lĩnh vực, trong đó, chiếm tỷ lệ lớn nhất là các làng nghề sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ chế biến. Tiếp đến là các làng nghề bảo quản, chế biến nông sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; xử lý nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn…
Bảo vệ làng nghề truyền thống ở Hà Nội giúp gìn giữ những giá trị văn hóa lâu đời, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và du lịch. Mỗi làng nghề là một phần ký ức của Thăng Long – Hà Nội, nơi lưu giữ tinh hoa thủ công với những kỹ thuật tinh xảo được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Việc bảo tồn làng nghề giúp duy trì nguồn sinh kế cho người dân, tạo công ăn việc làm và thúc đẩy kinh tế địa phương. Đồng thời, làng nghề còn là điểm đến du lịch hấp dẫn, thu hút du khách muốn tìm hiểu và trải nghiệm văn hóa bản địa, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm thủ công và quảng bá thương hiệu Việt ra thế giới. Bảo vệ làng nghề cũng là bảo vệ niềm tự hào dân tộc, giúp thế hệ trẻ hiểu và trân trọng di sản cha ông, tiếp tục phát huy và đưa nghề truyền thống vươn xa trong thời đại mới.
Hà Nội chú trọng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn
Hà Nội: 100% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới
Hà Nội: trao 14 danh hiệu làng nghề và chứng nhận sản phẩm OCOP cấp Thành phố
Huyện Yên Lạc đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đầu tiên của tỉnh Vĩnh Phúc
31 hộ dân ở Lào Cai đối mặt với nguy cơ sạt lở đất nghiêm trọng
Hà Nội tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2025