Hà Nội xây dựng hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn: cụ thể hóa mục tiêu thành phố thông minh
Cần có năng lực tương ứng về công nghệ điện tử
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, ngành công nghiệp bán dẫn đã và đang trở thành trụ cột quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu. Việt Nam và đặc biệt là Hà Nội với những tiềm năng vượt trội, đang từng bước khẳng định vị thế của mình trên bản đồ công nghệ thế giới. Hà Nội, với lợi thế là trung tâm chính trị, kinh tế và giáo dục của cả nước, việc xây dựng một hệ sinh thái toàn diện, từ nghiên cứu, sản xuất, đến ứng dụng và phát triển nguồn nhân lực, là điều vô cùng cần thiết. Tại buổi tọa đàm “Xây dựng hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn Hà Nội, Việt Nam'' mới đây, TS Nguyễn Nhật Quang - Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ VINASA nhận định, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ đi theo hai hướng chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, dẫn tới việc hình thành và phát triển các ngành công nghiệp mới. Do đó, xây dựng hệ sinh thái bán dẫn cần đặt trong tổng thể của việc xây dựng các ngành công nghiệp số và công nghiệp xanh.
Sản xuất linh kiện tại Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam, khu CN Thạch Thất. Ảnh Hải Linh
Để trở thành Thành phố thông minh, Hà Nội sẽ cần xây dựng hạ tầng thông tin kỹ thuật số mạnh và an toàn. Tất cả các bộ môn hạ tầng kỹ thuật đô thị (giao thông, năng lượng, cấp - thoát nước, cây xanh, chiếu sáng, xử lý rác thải…) sẽ phải được thông minh hóa. Tất cả những điều này đòi hỏi sử dụng số lượng lớn chip bán dẫn. Vì thế, Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung cần có năng lực tương ứng về công nghệ điện tử, công nghệ bán dẫn để xây dựng và vận hành các đô thị thông minh một cách an toàn và bền vững. Hiện nay, vành đai công nghiệp bán dẫn đã bắt đầu hình thành trong vùng Thủ đô (Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bắc Giang). Vì vậy, Hà Nội cần phát triển hệ sinh thái bán dẫn trong tổng thể phát triển của cả vùng Thủ đô cũng như của cả nước. Hỗ trợ, dẫn dắt các địa phương (đào tạo nguồn nhân lực, hậu cần…) và thu hút đầu tư vào các phân khúc cao hơn trong chuỗi giá trị (thiết kế, R&D…).
Bán dẫn được ưu tiên thu hút nhà đầu tư
Theo Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội, GS.TS Chử Đức Trình, Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi, có vị thế và ổn định chính trị tốt. Hơn nữa, Việt Nam có nền tảng công nghiệp điện tử khá tốt; nguồn nhân lực trẻ, chất lượng cao, có tay nghề cao, chăm chỉ và sáng tạo với hơn 70 trường đại học công nghệ và STEM trên toàn quốc. Đặc biệt, Việt Nam đang có được sự đồng hành, ủng hộ của nhiều quốc gia, của nhiều DN lớn trên thế giới. Tuy nhiên, điểm chưa mạnh, đó là chúng ta chưa làm chủ công nghệ, nguồn vốn hạn chế, chưa tham gia sâu vào chuỗi cung cấp… “Nguồn nhân lực tại Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng chính là một mắt xích quan trọng trong quá trình phát triển vươn tầm thế giới của ngành công nghiệp bán dẫn. Ngành công nghiệp bán dẫn đòi hỏi nguồn lực đầu tư rất lớn, đội ngũ nhân lực cùng chuyên gia trình độ cao. Bên cạnh đó, cần thời gian và một tầm nhìn. Do vậy, Nhà nước cần ưu tiên và khuyến khích đào tạo sâu chuyên môn công nghệ bán dẫn đến sự phát triển nguồn lực của Việt Nam” – GS.TS Chử Đức Trình nhấn mạnh.
Đối với Hà Nội, GS.TS Chử Đức Trình nhận định, Hà Nội hội tụ những điểm mạnh về vị trí địa lý, giao thông, dân số, giáo dục và thị trường nhân lực, chính sách. Mới đây, Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua, đã xác định bán dẫn là lĩnh vực được ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược của TP, đây là cơ sở pháp lý quan trọng thu hút đầu tư. Tuy nhiên, bài toán mấu chốt để tham gia vào chuỗi cung ứng bán dẫn là Việt Nam cần chọn được mắt xích và phải chọn được mắt xích quan trọng, phù hợp với lợi thế để đầu tư, phát triển. Việt Nam hay bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới, dù mạnh cũng không thể hoàn toàn làm chủ được công nghệ bán dẫn. Chọn được đúng vị trí sẽ giúp Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung phát triển công nghiệp bán dẫn hợp lý, từ đó thúc đẩy nền kinh tế phát triển, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh bền vững.
Để tận dụng cơ hội sẵn có, Hà Nội cần xây dựng cơ chế riêng, có bộ tiêu chí xác định nhà đầu tư chiến lược được hưởng chính sách ưu đãi. Đồng thời, Hà Nội cần lập chiến lược dài hạn trong 10 năm, học hỏi các quốc gia đi trước, nhất là nơi có hệ sinh thái đào tạo, cung ứng, sản xuất thiết bị điện tử nói chung và bán dẫn nói riêng.
Chủ tịch Hiệp hội phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam Nguyễn Văn Khoa
Phúc Nguyễn
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong đồng bào dân tộc thiểu số tại Sơn La
Hà Nội ban hành quy chế tạm thời về trông giữ xe không dùng tiền mặt
iHanoi: theo sát tình hình mưa lũ sau bão Yagi
Bưu điện Việt Nam hỗ trợ vận chuyển miễn phí hàng cứu trợ
TP Hồ Chí Minh sẽ vận hành app Công dân số vào tháng 11/2024
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý du khách vào Lăng viếng Bác