Hiện trạng vườn hoa Lý Thái Tổ trước ngày cải tạo
Vườn hoa Lý Thái Tổ có diện tích hơn 12.000m2, nằm trên địa bàn phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), được bao quanh bởi các tuyến phố Đinh Tiên Hoàng, Lê Thạch, Lê Lai và Ngô Quyền.

Vườn hoa có vị trí quan trọng trong việc kết nối Hồ Gươm với vùng phụ cận bao gồm vườn hoa Diên Hồng, không gian quảng trường Ngân hàng Nhà nước; các công trình kiến trúc như trụ sở Thành ủy, UBND thành phố, nhà khách Chính phủ, khách sạn Metropole...

Vườn hoa được đổi tên nhiều lần, lúc đầu mang tên Paul Bert, sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 là vườn hoa Chí Linh. Từ năm 1984 mang tên Indira Gandhi (cố Thủ tướng Ấn Độ). Đến năm 2004, khi cải tạo chỉnh trang, có tượng Vua Lý Thái Tổ được gọi là vườn hoa Lý Thái Tổ.

Sau hơn 20 năm sử dụng, hạ tầng vườn hoa Lý Thái Tổ đã xuống cấp, bao gồm cây xanh, thảm cỏ, thảm hoa và đường dạo chưa phù hợp. Việc cải tạo nhằm đảm bảo cảnh quan và công năng sử dụng, tương xứng với Di tích cấp quốc gia đặc biệt Hồ Gươm.

Trung tâm vườn hoa là tượng đài vua Lý Thái Tổ, được làm bằng đồng nguyên chất, đúc liền khối, nặng 32 tấn (tượng 12 tấn, bệ 20 tấn), cao 10,1m (tượng cao 6,8m, bệ cao 3,3m), hướng nhìn ra hồ Hoàn Kiếm, được khánh thành vào năm 2004. Theo đề án cải tạo vườn hoa Lý Thái Tổ của quận Hoàn Kiếm, khu vực phía trước tượng đài, vốn là sân Khánh tiết, sẽ được mở rộng về phía đường Đinh Tiên Hoàng.
Điểm nhấn của việc cải tạo này là lắp đặt Km0 tại trung tâm sân Khánh tiết. Phương án kiến trúc cho Km0 được lựa chọn từ cuộc thi do Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức năm 2020 và đang được điều chỉnh để phù hợp với các yêu cầu kỹ thuật.

Vườn hoa Lý Thái Tổ hiện có 100 cây thuộc 20 chủng loại, được trồng qua nhiều giai đoạn, bao gồm sưa, vàng anh, thàn mát, bằng lăng, giáng hương, lộc vừng, hoàng yến, muồng, đa, đề, lát, xoài, phượng, si, sanh, sữa, lan, chay, sếu và dầu nước.

Quận Hoàn Kiếm nhấn mạnh nguyên tắc cải tạo là giữ nguyên các cây có giá trị, lâu năm và cổ thụ. Việc thay thế hoặc di dời chỉ áp dụng với các cây nhỏ, không có giá trị hoặc bị sâu bệnh.
Lòng đường phố Lê Lai và Lê Thạch ở hai bên hông vườn hoa sẽ được lát đá, sơn kẻ. Phần đường kết nối phố Đinh Tiên Hoàng khu vực vườn hoa và Hồ Gươm cũng được lát đá.

Vườn hoa Lý Thái Tổ không chỉ là điểm đến hấp dẫn cho người dân và du khách tham quan, nghỉ ngơi mà còn là một không gian công cộng quan trọng, thường xuyên diễn ra các sự kiện văn hóa, lịch sử của Thủ đô.
Hình ảnh Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 gây lãng phí, thiệt hại ngân sách
Tại sao vẫn tiếp tục xuất hiện những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo?
Hà Nội: tăng cường quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn cho đến khi hoàn thành sáp nhập
Hà Nội chấn chỉnh, xử lý cơ quan, đơn vị có trụ sở để hoang hóa, sử dụng kém hiệu quả
Dịp lễ, xe tải bị cấm vào nội thành TP Hồ Chí Minh trong một số khung giờ cao điểm
Ô tô 16 chỗ trở lên không được phép di chuyển trên phố Ngọc Hà