Hoàn thành bổ cập nước hồ Tây về sông Tô Lịch trước 2/9/2025
Sông Tô Lịch - “điểm đen” về ô nhiễm môi trường của Thủ đô
Sông Tô Lịch dài khoảng 14km, bắt đầu từ phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy chảy về phía nam TP và ra sông Nhuệ tại xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì. Toàn tuyến sông có hàng trăm cửa xả nước thải khiến nước sông thường xuyên đen kịt, bốc mùi hôi thối. Theo ước tính của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, mỗi ngày có 150.000m3 nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý xả xuống sông Tô Lịch. Nhiều kế hoạch khắc phục ô nhiễm sông Tô Lịch đã được TP đưa ra những năm qua nhưng đều không hiệu quả.
Hậu quả của việc ô nhiễm không chỉ giới hạn ở môi trường mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng và chất lượng sống của cư dân hai bên bờ sông. Mùi hôi thối liên tục gây khó chịu, đặc biệt vào mùa hè, và tiềm ẩn nguy cơ lây lan các bệnh truyền nhiễm. Hệ sinh thái sông gần như bị phá hủy hoàn toàn, các loài cá và thực vật thủy sinh không thể tồn tại, làm mất cân bằng tự nhiên.
Ngoài ra, ô nhiễm sông Tô Lịch còn ảnh hưởng đến giá trị văn hóa và lịch sử của Hà Nội, khi một dòng sông từng là niềm tự hào nay trở thành điểm nóng về ô nhiễm môi trường. Để cứu vãn sông Tô Lịch, cần có những giải pháp đồng bộ từ việc xử lý nước thải, nạo vét lòng sông, đến nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân và áp dụng công nghệ hiện đại trong cải tạo dòng sông.
Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá đi vào thử nghiệm
Được khởi công xây dựng từ năm 2016, dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá có tổng mức đầu tư hơn 16.000 tỷ đồng, trong đó 84,14% là vốn vay ODA (Chính phủ Nhật Bản), do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp làm chủ đầu tư. Đây là một trong những dự án quy mô lớn nhất và mang tính cấp bách của Hà Nội về xử lý nước thải.
Ngày 1/12/2024, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp Hà Nội đã tổ chức vận hành thử Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá. Hiện nhà máy có công suất 100.000m3/ngày đêm, nâng tỷ lệ xử lý nước thải của TP Hà Nội lên 40%. Sau khi đi vào hoạt động chính thức, công suất tối đa có thể đạt là 270.000 m3/ngày đêm, sẽ phát sinh 122,4 tấn bùn/ngày, nâng tổng lượng bùn thải của TP lên 172 tấn/ngày.
Thông tin từ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp, dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá triển khai đồng loạt cả 4 gói thầu, gói thầu số 2 xây dựng hệ thống cống bao cho sông Tô Lịch và cống chính cũng cơ bản hoàn thành, dự kiến xong toàn bộ trong năm 2024.
Với việc xử lý nước thải sinh hoạt đang trực tiếp xả ra sông Tô Lịch, thống kê của Sở Xây dựng hiện có 119 cống và phần lớn đã được đấu nối vào hệ thống cống gom chạy dọc hai bờ sông thuộc dự án của nhà máy xử lý nước thải Yên Xá. Tuy nhiên, bất cập là còn 32 cống vẫn đang xả ra sông chưa được đấu nối vào hệ thống thu gom chung vì thuộc dự án khác (đoạn từ đường Hoàng Quốc Việt đến đường giao Láng Hạ). Sở Xây dựng đang xây dựng phương án trình TP để đấu nối những cống này vào hệ thống gom về nhà máy xử lý Yên Xá, một số cống sẽ được bịt lại để dẫn nước chảy qua sông Nhuệ.
Hoàn thành bổ cập nước hồ Tây về sông Tô Lịch trước 2/9/2025
Sáng 2/12, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài và Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã kiểm tra tiến độ Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá và việc thực hiện các giải pháp làm sạch sông Tô Lịch.
Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong nhấn mạnh, việc cải tạo 4 con sông (sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, sông Lừ và sông Sét) cần được đồng bộ, trong đó ưu tiên sông Tô Lịch cải tạo trước. Nếu cải tạo được 4 con sông này thì 12 quận nội thành sẽ xử lý được toàn bộ lượng nước thải trong nội thành cùng với 62 km2 của lưu vực quận Long Biên. Sở Xây dựng sẽ đề xuất chủ trương, cùng với quận Tây Hồ và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp để triển khai nhanh nhất việc bổ cập nước cho hồ Tây và sông Tô Lịch.
Đối với công tác bổ cập nước từ hồ Tây về sông Tô Lịch, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, lãnh đạo TP đã quyết định triển khai dự án khẩn cấp và giao Sở Xây dựng chủ trì với các sở, ngành, ban quản lý dự án và các địa phương đẩy nhanh tiến độ dự án để từ nay đến 2/9/2025 phải hoàn thành dự án. Đồng thời lưu ý, trong quá trình thực hiện phải đặc biệt chú ý phương án bảo vệ môi trường sinh thái, hệ sinh thái hồ Tây khi bổ cập nước hồ về sông Tô Lịch.
Để đảm bảo môi trường sinh thái cho hồ Tây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu khi dẫn nước từ sông Hồng về đến hồ Tây phải làm hai đường ống bằng thép chạy song song đi ngầm dưới lòng hồ Tây. Một ống thép dẫn nước bổ sung thường xuyên cho sông Tô Lịch, ống còn lại để sẵn sàng cấp nước cho hồ Tây khi cần thiết.
Việc bổ cập nước từ Hồ Tây về sông Tô Lịch có ý nghĩa quan trọng trong việc cải thiện chất lượng môi trường nước, phục hồi hệ sinh thái và nâng cao cảnh quan đô thị. Dòng nước từ Hồ Tây giúp pha loãng nồng độ ô nhiễm, giảm tình trạng tù đọng và mùi hôi, đồng thời hỗ trợ khả năng tự làm sạch của sông Tô Lịch.
Điều này không chỉ góp phần tái sinh giá trị lịch sử - văn hóa của dòng sông mà còn tạo ra một không gian xanh, sạch đẹp, thu hút người dân và khách du lịch. Hơn nữa, việc bổ cập nước còn đóng vai trò điều tiết dòng chảy, giảm thiểu nguy cơ ngập lụt và thúc đẩy phát triển đô thị bền vững, mang lại lợi ích lâu dài cho môi trường và cộng đồng Hà Nội.
Thủ tướng yêu cầu tập trung triển khai 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát
Huyện Đông Anh đứng đầu TP Hà Nội về thu ngân sách năm 2024
Hà Nội tập trung nguồn lực xây thêm 9 cầu vượt sông Hồng
TP Hồ Chí Minh công bố môn thi thứ ba vào lớp 10 năm học 2025 - 2026
Những đối tượng nào sẽ được tuyển thẳng vào lớp 10?
Đã có phương án thi tuyển vào lớp 10 từ năm 2025