Huyện Thường Tín đủ điều kiện để được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
Trong 2 ngày 16 - 17/12, huyện Thường Tín tổ chức Kỳ họp thứ 21 HĐND huyện khóa XX, nhiệm kỳ 2021-2026 để xem xét tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thu - chi ngân sách Nhà nước năm 2024, quyết nghị các phương hướng, nhiệm vụ năm 2025.
Những kết quả tích cực trong công tác xây dựng nông thôn mới
Báo cáo tại kỳ họp cho thấy, trong năm 2024, tổng giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng của huyện Thường Tín đạt 31.467 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch, tăng 18,9% so với năm 2023. Trong đó, công nghiệp - thủ công nghiệp đạt 23.896 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch năm, tăng 17% so với năm 2023, thương mại - dịch vụ đạt 22.115 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch năm, tăng 18,6% so với năm 2023.
Trong định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, huyện Thường Tín nằm trong khu vực phạm vi mở rộng đô thị của Thủ đô, cùng với đó là tập trung đầu tư phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, triển khai các khu công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề, thương mại - dịch vụ và logistics, du lịch sinh thái gắn với phát triển du lịch làng nghề truyền thống, du lịch tâm linh, chuyển đổi mạnh mẽ ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao và phương thức canh tác hữu cơ, hạ tầng từng bước được đầu tư hiện đại, đồng bộ.
Huyện Thường Tín luôn là điểm sáng trong việc bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống. Toàn huyện có 82 làng có nghề, trong đó 50 làng đã được công nhận làng nghề truyền thống và làng nghề Hà Nội. Nhiều làng nghề nổi tiếng từ lâu đời như lược sừng Thụy Ứng (xã Hòa Bình), tiện Nhị Khê (xã Nhị Khê), điêu khắc gỗ đá (xã Hiền Giang), thêu ren (xã Quất Động, xã Thắng Lợi), và thêu cờ tổ quốc (xã Lê Lợi).

Báo cáo tại kỳ họp trên, tổng thu ngân sách Nhà nước thực hiện được đến nay của huyện đã là hơn 1.436 tỷ đồng, đạt 116,63% dự toán giao, trong đó, thu tiền sử dụng đất đạt 737 tỷ đồng và các khoản thu còn lại khác theo quy định giao.
Trước đó, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản cho biết, thu nhập bình quân trên địa bàn huyện tới năm 2024 đã đạt 76,6 triệu đồng/người/năm…Những mô hình tiêu biểu như điểm du lịch làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân, mô hình phát triển tủ sách cơ sở kết hợp điểm thực hiện dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 hay mô hình liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm cho nông dân và mô hình mượn ruộng để sản xuất ở nhiều xã trên địa bàn đã góp phần giúp bà con ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập.

Giáo dục và văn hóa cũng là những lĩnh vực được Thường Tín đặc biệt quan tâm và phát triển. Đến nay toàn huyện đã có 81/89 trường chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 91,01%, trong đó có 23 trường chuẩn mức độ 2. Trong năm 2024, tỷ lệ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu “Gia đình văn hóa” đạt 97%, tổng số 156/162 thôn (làng), tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu thôn (làng) văn hóa, đạt tỷ lệ 100%.
Huyện Thường Tín đã đủ điều kiện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
Năm 2020, huyện Thường Tín đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Đến nay, toàn huyện có 17/28 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 3 xã nông thôn mới kiểu mẫu.Theo báo cáo thẩm tra, huyện Thường Tín đủ điều kiện trình Trung ương công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2024. Trong thời gian tới, Đoàn công tác của Trung ương sẽ thẩm định, đánh giá kết quả các tiêu chí, chỉ tiêu huyện nông thôn mới nâng cao năm 2024.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Thường Tín lần thứ 24 đã xác định mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu cơ bản các xã của huyện Thường Tín đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đồng thời, tiếp tục phát triển kinh tế với cơ cấu hợp lý, gắn với bảo vệ môi trường, từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại để đến năm 2030, phấn đấu cơ bản đạt các tiêu chí của Quận đô thị.
Để đạt được các mục tiêu trên, huyện Thường Tín tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, quyết tâm cao hơn nữa để khai thác, phát huy các tiềm năng, lợi thế, khơi thông nguồn lực, đổi mới mạnh mẽ tư duy, phương thức lãnh đạo của cấp ủy, điều hành của chính quyền; tập trung tháo gỡ nút thắt, điểm nghẽn phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Hà Nội sẽ tổ chức Festival bảo tồn và phát triển làng nghề quốc tế trong năm 2025
Tổ chức lại Trung tâm Khuyến nông Hà Nội
Công bố nghề gốm Kim Lan là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia
Thêm 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2024
Hà Nội: phấn đấu tăng 10-20% số mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp
Hà Nội: Huyện Phú Xuyên có 14 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, kiểu mẫu