Khám phá những công trình kiến trúc Pháp cổ trên “Giao lộ sáng tạo”
Tại số 19 Lê Thánh Tông (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), trường Đại học Khoa học Tự nhiên (tiền thân là Đại học Đông Dương, sau là Đại học Tổng hợp) nổi bật với kiến trúc độc đáo, nơi hội tụ giữa phương Đông và phương Tây.
Điểm đặc biệt nhất của công trình này là bức bích họa khổng lồ, một tác phẩm nghệ thuật mang đậm dấu ấn lịch sử và văn hóa. Vẽ theo phong cách châu Âu nhưng nội dung lại mang đậm bản sắc Việt, bức họa là sự kết hợp độc đáo giữa hai nền văn hóa.
Tác giả của bức họa là họa sĩ Victor Tardieu, vị Hiệu trưởng đầu tiên của Đại học Mỹ thuật Đông Dương. Tác phẩm của Tardieu được coi là tác phẩm mỹ thuật hiện đại lớn nhất Việt Nam. Trên một diện tích 77m2, Tardieu đã minh họa khung cảnh xã hội Hà Nội hồi đầu thế kỷ 20, với sự hiện diện của 200 nhân vật đại diện chung cho xã hội thời bấy giờ, từ chính giới đến thường dân.
Nằm ở số 12 phố Ngô Quyền, tòa nhà Bắc Bộ Phủ (nay là Nhà khách Chính phủ) không chỉ đặc sắc về kiến trúc mà còn là nơi đã chứng kiến những sự kiện lịch sử quan trọng của Thủ đô Hà Nội.
Tòa nhà mang đậm dấu ấn phong cách kiến trúc cổ điển châu Âu hài hòa cùng kiến trúc bản địa, được xây ba tầng (một tầng hầm và hai tầng lầu), có quy mô bề thế, thể hiện tầm quan trọng của một cơ quan hành chính cao cấp nhất xứ Bắc Kỳ ngày trước.
Nhà hát Lớn Hà Nội nằm ngay tại Quảng trường Cách Mạng Tháng Tám, được xây dựng bởi chính quyền thực dân Pháp vào năm 1901, chính thức khánh thành năm 1911. Tuyệt tác nghệ thuật này được thiết kế theo mô hình nhà hát Opéra Garnier ở Paris.
Nhà hát Lớn thành phố Hà Nội mang đậm dấu ấn kiến trúc châu Âu cổ điển với sự hoàn hảo đến từng chi tiết, đem lại một không gian nghệ thuật hàn lâm, sang trọng bậc nhất Đông Dương thời bấy giờ.
Nằm liền kề Nhà hát Lớn, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, tiền thân là Viện Viễn Đông Bác Cổ, đến nay vẫn giữ được nguyên vẹn dáng vẻ ban đầu với sự hòa hợp kiến trúc Á - Âu. Công trình này đặc biệt ở chỗ các kiến trúc sư đã khéo léo lồng ghép những họa tiết trang trí truyền thống của Việt Nam vào một công trình mang phong cách phương Tây, tạo nên một phong cách kiến trúc độc đáo được gọi là kiến trúc Đông Dương.
“Giao lộ Sáng tạo" được hình thành bởi sự kết nối giữa trục Bắc - Nam (phố Lý Thái Tổ - Lê Thánh Tông) và trục Đông - Tây (dốc Bác Cổ - phố Tràng Tiền). Không gian này có hàng loạt di sản kiến trúc từ thời Pháp thuộc và đang được khai thác trong thời hiện đại như: Cung Thiếu nhi Hà Nội (Ấu trĩ viên), Nhà khách Chính phủ (Bắc Bộ phủ), Nhà hát Lớn, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Đại học Tổng hợp… và các vườn hoa Nhà hát Lớn, Cổ Tân, Diên Hồng, Tao Đàn, Lý Thái Tổ.
Quy định sàn thương mại điện tử phải kê khai, nộp thuế thay
Huyện Ba Vì dâng hương tưởng niệm ngày hóa của Đức Thánh Tản Viên Sơn
Cuối tuần này, cùng trải nghiệm phở số Hà Thành tại không gian phố cổ
Có một làng nghề vừa được vinh danh “Làng nghề truyền thống Hà Nội”
Sắp diễn ra Tuần hàng Việt “Made in Vietnam 2024” tại Hà Nội
Vườn cam rốn lồi tấp nập khách đến chụp ảnh ở Mộc Châu