Loạt hạ tầng làm “đòn bẩy” cho Đông Anh “thay da đổi thịt” khi lên quận
Đầu tháng 8/2024, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 233/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Đề án đầu tư, xây dựng phát triển 5 huyện: Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng thành quận. Trong đó, xác định huyện Đông Anh sẽ phấn đấu thành lập quận vào quý IV/2024 hoặc quý I/2025.
Để chuẩn bị cho việc thành lập quận, Đông Anh đã cơ bản thực hiện xong giai đoạn đầu tư, xây dựng phát triển để lập Đề án thành lập quận, phường. Hiện Đông Anh đã đạt 5/5 tiêu chí thành lập quận và 4/4 tiêu chí lập phường. Quận Đông Anh được thành lập trên cơ sở giữ nguyên trạng diện tích tự nhiên 185km2, dân số 437.000 và 24 xã, thị trấn hiện có. Sau khi lên quận, Đông Anh sẽ có 24 phường.
Hạ tầng giao thông đồng bộ
Khi lên quận, Đông Anh được định hướng phát triển thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ, tài chính, thương mại và giao dịch quốc tế khu vực Bắc sông Hồng, đóng vai trò động lực phát triển ở phía Bắc Thủ đô. Nhiều công trình hạ tầng tại Đông Anh đã và đang được triển khai như: Nhà văn hóa huyện Đông Anh, dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường cấp khu vực (NC-1) phía bắc thôn Cán Khê đi thôn Tiên Hùng đến đường gom đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên,...
Ngoài ra, Đông Anh cũng có một số dự án hạ tầng giao thông “nghìn tỷ” dự kiến triển khai như dự án xây dựng tuyến đường từ Hoàng Sa đến đường sắt Hà Nội - Lào Cai với vốn đầu tư lên đến 1.239 tỷ đồng. Hay dự án tuyến đường LK50, đoạn từ quốc lộ 3 cũ đến đường Thư Lâm dài 5,9km với quy mô 1.303 tỷ đồng.
Đáng chú ý, giai đoạn 2023 - 2028, Đông Anh sẽ triển khai xây dựng tuyến đường Vành đai 3 qua địa bàn huyện dài 14,9km, với tổng mức đầu tư gần 8.000 tỷ đồng. Ngoài ra, giai đoạn 2023 - 2027, huyện dự chi 800 tỷ đồng xây dựng 3 tuyến đường ngoài hàng rào kết nối với Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (tuyến 1, tuyến 2, tuyến 3)....
Nhiều dự án bất động sản có vốn đầu tư “khủng”
Không chỉ các dự án hạ tầng giao thông, Đông Anh còn là nơi quy tụ của hàng loạt dự án bất động sản đắt giá. Trong đó có thể kể đến dự án Vinhomes Cổ Loa, Thành phố Thông minh (Smart City), Công viên Kim Quy hay dự án Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia,...
Thành phố Thông minh là dự án có tổng mức đầu tư lớn nhất hiện nay với gần 4,2 tỷ USD và tổng diện tích gần 272ha. Dự án nằm tại trung tâm của Quy hoạch hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài, thuộc các xã Vĩnh Ngọc, Hải Bối, Kim Nỗ. Dự án do Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Thành phố Thông minh Bắc Hà Nội - liên doanh giữa Tập đoàn BRG (Việt Nam) và Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) làm chủ đầu tư, dự kiến hoàn thành hạng mục cuối cùng vào cuối năm 2032.
Hay dự án Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia do Công ty cổ phần Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (VEFAC) đầu tư với tổng vốn đầu tư hơn 7.300 tỷ đồng. Dự án triển khai với định hướng đưa Hội chợ triển lãm quốc gia trở thành một “Thành phố Triển lãm”.
Ngoài ra, Đông Anh cũng có nhiều dự án khu đô thị khác gồm: dự án Khu đô thị mới G3 với quy mô gần 80ha, tổng vốn đầu tư lên đến 8.127 tỷ đồng hay dự án khu đô thị mới G13 có quy mô hơn 44ha, vốn đầu tư 3.113 tỷ đồng,... Những dự án này đang tích cực được đẩy mạnh triển khai tạo “đòn bẩy” vững chắc cho huyện Đông Anh lập Đề án lên quận.
Chi tiết vị trí xây Bệnh viện Thận cơ sở 2 ở Hà Đông
Bệnh viện Thận Hà Nội sắp có cơ sở 2 ở quận Hà Đông
Vành đai 3,5 đoạn Đại lộ Thăng Long vẫn dang dở sau 7 năm thi công
Hà Nội đề xuất thêm 5 tuyến đường sắt đô thị mới
Hà Nội phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị Hòa Lạc tỷ lệ 1/2000
Sau 3 năm thi công, đường gom từ cầu Thanh Trì đến cầu vượt Phú Thị giờ ra sao?