Môi trường làng nghề ở Hoài Đức: không còn tình trạng "ruồi vo ve suốt ngày"
Tiêu chí môi trường trở thành động lực thi đua
7 giờ 30 phút ngày 7/7, phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị có mặt tại xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức, nơi được mệnh danh “thủ phủ” làng nghề nổi tiếng chế biến nông sản thực phẩm; các tuyến đường luôn tấp nập phương tiện giao thông và người vận chuyển củ dong, củ sắn sản xuất tinh bột. Trước đây, quanh xã đâu đâu cũng thấy ruồi muỗi vo ve suốt cả ngày, có mưa là lòng đường lầy lội bùn đất, nắng là bụi bặm. Hiện nay, vừa đặt chân đến địa phương làng nghề xã Dương Liễu đã được nghe ngay tiếng loa truyền thanh của xã phát đi bản tin sáng để người dân nắm bắt thông tin mới.
Thông tin đầu tiên được phát đi là việc hiện nay một số hộ gia đình trong thôn Quê chưa thu dọn hết rác thải, để không đúng điểm tập kết. Thôn đề nghị các gia đình tập trung quét dọn, thu gom rác thải bảo vệ môi trường.
Tiếp đó là thông tin về tình hình an ninh trật tự, văn hóa xã hội cùng các mặt công tác khác của thôn đã và đang diễn ra trong những ngày qua. Đến phần cuối bản tin, thông tin cụ thể về việc thôn nhắc nhở, phê bình một số hộ gia đình có họ tên rõ ràng và xóm cụ thể do chưa làm tốt công tác vệ sinh môi trường khu vực ở gần nhà mình trong tuần qua.
Bà Ngô Thị Vận, thôn Quê, xã Dương Liễu chia sẻ, địa phương hoàn thành xây dựng NTM từ năm 2016 và đang xây dựng xã NTM nâng cao để hoàn thành trong năm 2024. Nhờ có phong trào xây dựng NTM đã giúp người dân các xóm và các xã khác trong huyện đua nhau gây dựng hình ảnh, mô hình bảo vệ môi trường làng nghề. Hàng tháng chấm điểm rồi biểu dương cá nhân, tập thể.
Trưởng thôn Quê Nguyễn Đức Chấn chia sẻ: những năm trước đây, mỗi ngày các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở thôn Quê với hàng trăm xe ô tô nhập về trên 1.000 tấn củ dong, củ sắn mỗi ngày. Nguồn nguyên liệu này hàng ngày chế biến tinh bột, kèm theo đó là nước thải đổ ra cống rãnh, kênh tiêu tạo ra mùi hôi thối là tác nhân xuất hiện ruồi muỗi sống chung cùng người dân.
Từ ngày xã tập trung xây dựng NTM rồi NTM nâng cao, tiêu chí môi trường đã trở thành động lực thúc đẩy người dân cùng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nông sản thay đổi phương thức sản xuất. Cùng với đó, TP và huyện ngoài việc quan tâm đầu tư xây hệ thống cống tiêu thoát nước thải có nắp đậy kín còn bố trí xây dựng điểm công nghiệp làng nghề và nhà máy xử lý nước thải.
Từ năm 2015 đến nay, sau khi hoàn thành xây dựng điểm công nghiệp làng nghề 11,7ha tạo mặt bằng sản xuất nông sản cho hơn 100 công ty, cơ sở sản xuất di chuyển ra khỏi khu dân cư giúp đẩy lùi tình trạng ô nhiễm môi trường. Nhờ đó mùi hôi thối từ nguồn nước thải đã không còn. Đồng thời, chấm dứt cảnh ruồi muỗi vo ve suốt ngày, ăn cơm không phải mắc màn như trước.
Tương tự, địa bàn xã Minh Khai có hàng trăm hộ làm miến dong, bún, phở khô, tinh bột sắn. Kèm theo đó là việc các hộ gia đình chăn nuôi lợn với tổng đàn hơn 10.000 con/năm. Tuy nhiên đến nay đã có khoảng 70% số hộ chăn nuôi lợn xây hầm biogas xử lý chất thải. Còn nguồn nước thải của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ xả vào hệ thống cống rãnh, kênh mương dẫn vào để nhà máy xử lý nước thải Cầu Ngà xử lý.
Đến Minh Khai hôm nay với những con đường thẳng tắp đã được thảm nhựa và bê tông hóa. Hệ thống cống rãnh tiêu thoát nước được xây dựng kiên cố và có nắp đậy nhìn rất mỹ quan và an toàn cho người tham gia giao thông. Tình trạng ruồi muỗi và ô nhiễm môi trường không khí do mùi hôi thối từ sản xuất sản phẩm nông sản làng nghề gây ra đã không còn nữa.
Nhiệm vụ cấp bách bảo vệ môi trường làng nghề
Phó Chủ tịch UBND xã Dương Liễu Nguyễn Tiến Quảng cho biết, thực tế cho thấy làng nghề Dương Liễu khá phát triển, nhiều gia đình đã có thu nhập cao từ nghề truyền thống sản xuất tinh bột, miến và bánh kẹo. Tuy nhiên, chính sự phát triển manh mún, thiếu đồng bộ, thiếu quy hoạch đã khiến người dân nơi đây phải đối diện với tình trạng ô nhiễm môi trường.
Ông Ngô Văn Trường, thôn Quê, xã Dương Liễu bộc bạch: không chỉ có Dương Liễu, Minh Khai mà với các làng nghề khác như Cát Quế, La Phù, Sơn Đồng, huyện Hoài Đức nhiều năm trước, cứ đến dịp cuối năm bắt đầu bước vào “chính vụ” sản xuất tinh bột, miến dong, bún phở khô, bánh kẹo phục vụ nhu cầu người dân dịp Tết, không khó bắt gặp hình ảnh tất bật của người dân.
Cùng với sự hối hả sản xuất thì “ấn tượng” chính là mùi hôi thối, ngai ngái khó chịu của nước thải, mùi ngâm các loại củ, tinh bột sắn hòa trộn nhau. Trước đây, do thiếu diện tích sản xuất quy mô nhỏ lẻ, nhiều gia đình sau khi sản xuất đã xả thải trực tiếp ra kênh thoát nước T2 và T5 rồi chảy thẳng ra sông Đáy và sông Nhuệ khiến kênh rạch bị ô nhiễm, nước biến thành màu đen đục.
Trưởng Phòng TN&MT huyện Hoài Đức Cao Văn Tâm khẳng định: nguyên nhân chủ yếu của tình trạng ô nhiễm môi trường trước đây tại một số làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện là do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, công nghệ sản xuất lạc hậu. Sau khi sản xuất, các chất thải chưa qua xử lý được người dân xả trực tiếp vào mương rãnh, ao hồ.
Trong khi đó, hạ tầng giao thông, hệ thống tiêu thoát nước và hệ thống xử lý chất thải còn thiếu, chưa đồng bộ. Không chỉ có riêng huyện Hoài Đức mà các huyện Phú Xuyên, Thường Tín, Thạch Thất…những năm về trước cũng được xác định là các địa phương có tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề “nóng” trên địa bàn Thủ đô, đến nay thì đã khác hẳn rồi.
Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề trên địa bàn, Hoài Đức được TP chấp thuận đầu tư xây 3 nhà máy xử lý nước thải là Cầu Ngà, Sơn Đồng và Vân Canh. Hiện nay đã có Nhà máy Xử lý nước thải Cầu Ngà xử lý nguồn nước thải cho 3 xã: Dương Liễu, Minh Khai, Cát Quế công suất 20.000m3/ngày đi vào hoạt động, giúp đẩy lùi tình trạng ô nhiễm môi trường.
Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Hoàng Trường khẳng định: thời gian qua, chính quyền địa phương và người dân đã tích cực triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn, xử lý vấn nạn ô nhiễm môi trường làng nghề trên địa bàn. Hàng loạt giải pháp từ xây dựng cụm điểm công nghiệp, xây nhà máy xử lý nước thải, phong trào tổng vệ sinh môi trường và tổ chức cuộc thi bảo vệ môi trường hàng tháng…
Nhờ đó, những năm gần đây tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề ở Hoài Đức đã được cải thiện. Các địa phương trên địa bàn, đặc biệt với các xã làng nghề đã tạo được dấu ấn với khách hàng khi đến giao dịch, mua sản phẩm làng nghề bởi đâu đâu cũng thấy không gian sáng, xanh, sạch đẹp. Không còn cảnh lầy lội, bụi, ùn tắc giao thông, kèm theo đó là mùi hôi thối, ruồi muỗi vo ve suốt ngày.
Huyện Mê Linh chi 13,3 tỷ đồng hỗ trợ người dân phòng, chống lũ
Huyện Sóc Sơn khẩn trương khắc phục hậu quả của mưa lũ
Thành lập Ban Chỉ đạo Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp
Báo động lũ trên các sông ở Thái Bình, Hải Dương
Nhiều lợi ích từ mô hình “nông nghiệp đô thị”
Cần một chiến lược tổng thể để nâng chất lượng nước sạch nông thôn