Năm 2024, Hà Nội đã giải quyết việc làm cho 196 nghìn lao động
Tại Hội nghị lần thứ 20, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVII diễn ra vào hôm nay, 4/12, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải đã báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của TP năm 2024.
Theo đó, GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) 9 tháng đầu năm 2024 tăng 6,12%, so với cùng kỳ (9 tháng đầu năm 2023 tăng 5,99%). Dự kiến cả năm nay, GRDP sẽ đạt trên 6,5%.
Hà Nội bảo đảm cân đối thu, chi ngân sách và nguồn vốn cho đầu tư phát triển. Tổng thu ngân sách Nhà nước khoảng 492 nghìn tỷ đồng, ước đạt 120,5% dự toán, tăng 19,6% so với 2023; thu nội địa đạt khoảng 462 nghìn tỷ đồng, tăng 21,2% chiếm 93,8% trong tổng thu. Thu ngân sách địa phương được hưởng theo điều tiết năm 2024 là 143.573,3 tỷ đồng, đạt 111,3% dự toán, tăng 34% số với cùng kỳ.
Ngoài ra, Hà Nội thực hiện hiệu quả các chính sách tài chính, tín dụng trên địa bàn, kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh. Kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa xã hội năm 2024 cơ bản hoàn thành, dự kiến 23/24 chỉ tiêu hoàn thành kế hoạch, có 1 chỉ tiêu còn khó khăn là “tỷ lệ vận tải hành khách công cộng”.
Trong lĩnh vực an sinh xã hội, thành phố luôn là địa phương đi đầu trong công tác chăm lo đời sống cho nhân dân và đối tượng chính sách, người có công, người có hoàn cảnh khó khăn; các chính sách xã hội được thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng.
Điều đó được thể hiện qua những con số thống kê, cụ thể, Hà Nội đã giải quyết việc làm cho trên 196 nghìn lao động, đạt 118,9% kế hoạch năm. Thực hiện đầy đủ chế độ chính sách đối với người có công và nhân thân (hơn 2.000 tỷ đồng).
Đến nay, Hà Nội đã bố trí gần 10 nghìn tỷ đồng qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho hơn 96 nghìn hộ khó khăn và các đối tượng chính sách được vay vốn... và là địa phương dẫn đầu cả nước. Hoàn thành kế hoạch xây dựng, sửa chữa nhà 714/714 hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đồng thời, hỗ trợ 2 tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ xóa nhà tạm, nhà dột nát với tổng kinh phí 265 tỷ đồng.
Đáng chú ý, công tác phòng, chống tiêu cực, lãng phí tiếp tục được đẩy mạnh. Thành phố tập trung quyết liệt trong việc nhận diện, rà soát 712 dự án chậm triển khai gây lãng phí nguồn lực và bức xúc xã hội và là địa phương đầu tiên cả nước thành lập Ban Chỉ đạo về thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí.
Trong năm nay, Hà Nội cũng đã thực hiện nhiều biện pháp xử lý, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, để đẩy nhanh tiến độ giao đất, cho thuê đất thực hiện các dự án, đưa đất vào sử dụng, không để chậm, gây lãng phí, hoang hóa và thu ngân sách rất lớn cho Nhà nước.
Đặc biệt, cải cách hành chính, chuyển đổi số gắn với Đề án 06 "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030" là khâu đột phá được Thành ủy quan tâm chỉ đạo với các giải pháp đồng bộ, toàn diện, thực chất, đem lại giá trị cho người dân và doanh nghiệp.
Thủ tướng yêu cầu tập trung triển khai 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát
Huyện Đông Anh đứng đầu TP Hà Nội về thu ngân sách năm 2024
Hà Nội tập trung nguồn lực xây thêm 9 cầu vượt sông Hồng
TP Hồ Chí Minh công bố môn thi thứ ba vào lớp 10 năm học 2025 - 2026
Những đối tượng nào sẽ được tuyển thẳng vào lớp 10?
Đã có phương án thi tuyển vào lớp 10 từ năm 2025