Nghiên cứu xây dựng mô hình tổ hợp hoặc tập đoàn báo chí - truyền thông tại Hà Nội và TP.HCM
Mới đây, Ban Tuyên giáo Trung ương đã có văn bản về công tác triển khai quy hoạch báo chí và tổng kết nghị quyết 18 gửi các Ban cán sự đảng, đảng đoàn các bộ ngành; thường trực Thành ủy, Tỉnh ủy các địa phương.
Báo chí phát triển đúng hướng, hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm
Theo Ban Tuyên giáo Trung ương, sau gần 6 năm thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 theo Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 3/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ, hệ thống báo chí đã đạt nhiều thành tựu quan trọng. Báo chí đang thực hiện tốt vai trò là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và là diễn đàn của nhân dân.
Theo Ban Tuyên giáo Trung ương, trong bối cảnh đất nước đang chuẩn bị thế và lực để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, trung ương, địa phương và toàn hệ thống chính trị đang khẩn trương triển khai tổng kết nghị quyết 18.

Việc đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch báo chí gắn với tổng kết nghị quyết 18 tại các bộ, ngành, địa phương để xây dựng phương án sắp xếp hệ thống báo chí bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả là nhiệm vụ hệ trọng, cần thiết và cấp thiết.
Tuy nhiên qua thực tiễn triển khai, dù đạt được nhiều kết quả, việc thực hiện nghị quyết 18 ở một số bộ, ngành và địa phương vẫn còn lúng túng, đặc biệt trong việc xác định mô hình, tên gọi, và chức năng của các cơ quan báo chí sau khi sáp nhập hoặc hợp nhất. Nhiều nơi còn triển khai một cách cơ học, dẫn đến thiếu sự thống nhất và hiệu quả.
Yêu cầu xây dựng mô hình tổ hợp báo chí phù hợp
Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đánh giá toàn diện kết quả thực hiện quy hoạch báo chí tại các bộ, ngành và địa phương. Việc này cần phân tích rõ ràng những hạn chế, bất cập trong quá trình triển khai cũng như rút ra các bài học kinh nghiệm nhằm định hướng tốt hơn cho giai đoạn tiếp theo.
Ngoài ra, cần dự báo các xu hướng phát triển của báo chí, nắm bắt nhu cầu thông tin, và xác định yêu cầu tuyên truyền phù hợp với đặc điểm riêng của từng địa phương. Đây là cơ sở để xây dựng các mô hình báo chí đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh mới.
Việc sắp xếp tổ chức bộ máy phải gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động báo chí, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, người làm báo.
Hà Nội và TP Hồ Chí Minh dẫn đầu thí điểm
Các địa phương được trung ương xác định có yếu tố đặc thù về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh được giao nhiệm vụ tiên phong nghiên cứu, xây dựng mô hình tổ hợp hoặc tập đoàn báo chí - truyền thông. Các phương án cần được trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét và thẩm định, đảm bảo phát huy thế mạnh hiện có và tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách.
Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu làm tốt công tác tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, phóng viên trong quá trình hợp nhất hoặc sáp nhập, đồng thời đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người lao động.
Việc sắp xếp lại cơ quan báo chí không được gây gián đoạn hoạt động, đảm bảo duy trì hiệu quả thông tin tuyên truyền và không bỏ sót trận địa thông tin. Các địa phương cần báo cáo phương án sắp xếp về Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông để tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền theo quy định.
Sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện: hàng trăm nghìn người có thể bị ảnh hưởng
Đề xuất tiếp tục sử dụng giấy tờ đã cấp sau khi sắp xếp đơn vị hành chính
Vinh danh 10 Gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quân năm 2024
Bộ Nội vụ dự kiến giữ nguyên 11 tỉnh, thành phố
Hà Nội: hướng đến chuyển đổi tất cả các phương tiện sang sử dụng năng lượng xanh
Đề xuất đặt tên đặc khu cho các xã, phường sau sáp nhập tại TP Phú Quốc