Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá sẽ vận hành thử từ 1/12
Hiện nay, gói thầu số 1 xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá và gói thầu số 2 xây dựng hệ thống cống bao cho sông Tô Lịch và cống chính cơ bản đã hoàn thành.
Báo cáo với lãnh đạo TP, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp thành phố Hà Nội Chu Mạnh Tuấn cho biết, Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá có tổng mức đầu tư hơn 16.293 tỉ đồng, trong đó 84,14% là vốn vay ODA (Chính phủ Nhật Bản). Dự án bao gồm: Xây dựng Nhà máy xử lý nước thải công suất 270.000m3/ngày, đêm; xây dựng hệ thống cống thu gom, cống bao và hệ thống đấu nối (dọc hai bên sông Tô Lịch và sông Lừ), khu vực đô thị mới Hà Đông với tổng chiều dài khoảng 52,62km (đường kính 315-2.200mm).
Nhà máy xử lý nước thải được xây dựng tại xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì với diện tích 13,8ha. Dự án đã được thi công từ năm 2019, triển khai đồng loạt cả 4 gói thầu. Đến nay, gói thầu số 1 xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá và gói thầu số 2 xây dựng hệ thống cống bao cho sông Tô Lịch và cống chính cơ bản đã hoàn thành và đưa vào vận hành thử vào ngày 1/12 tới. Hai gói thầu còn lại còn gặp một số khó khăn, vướng mắc.

Gói thầu số 2, do Công ty TEKKEN (Nhật Bản) thi công, đã hoàn thành khoảng 98%, trong đó, đã cơ bản hoàn thành toàn bộ tuyến ống. Hiện đang hoàn trả mặt bằng và dự kiến hoàn thành toàn bộ gói thầu trong tháng 12/2024.
Đối với gói thầu số 3, Ban QLDA đã tiến hành các thủ tục chấm dứt hợp đồng với nhà thầu thi công. Hiện đang hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ xin chấp thuận chủ trương điều chỉnh nguồn vốn từ ODA sang ngân sách TP để đảm bảo tiến độ.
Còn gói thầu số 4, Ban QLDA đã ký phụ lục hợp đồng gia hạn từ tháng 11/2023 và thi công trở lại ngoài công trường từ tháng 2.2024. Hiện đã thi công hoàn thành khoảng 22% khối lượng công việc. Ban QLDA đang tập trung đôn đốc nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành trong năm 2025.
Theo ông Tuấn, khó khăn, vướng mắc nhất hiện nay liên quan đến tiến độ dự án là chưa thống nhất được việc áp dụng chi phí quản lý và tiền lãi của nhà thầu.
Cụ thể, theo hợp đồng FIDIC có quy định áp dụng chi phí quản lý và tiền lãi của nhà thầu đối với gói thầu số 1 là 12,32% và gói thầu số 2,4 là 15%. Song chi phí này không có trong các quy định của Việt Nam, dẫn đến khối lượng công việc đã hoàn thành chưa được thanh toán…
Để tháo gỡ vướng mắc, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp Hà Nội kiến nghị UBND TP xem xét có ý kiến với tổ chức JICA để điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Đồng thời điều chỉnh vướng mắc về quy định của hợp đồng theo mẫu FIDIC với quy định của Việt Nam; giải quyết vướng mắc về nguồn vốn thanh toán cho nhà thầu trong thời gian chờ thực hiện thủ tục đàm phán, thương thảo, ký kết hiệp định vay vốn…
Hà Nội đẩy mạnh giám sát quản lý đất đai, môi trường
10 giải pháp cấp bách xử lý ô nhiễm môi trường tại Hà Nội
Cà Mau chuyển đổi hơn 21 ha rừng đước đôi để xây dựng đê biển Tây
Hình ảnh nạo vét bùn, làm sạch sông Tô Lịch
Sun Group đồng hành với Hà Nội “hồi sinh” sông Tô Lịch
Hà Nội chi gần 100 tỷ đồng xây dựng hệ thống thu gom nước thải quanh hồ Tây