Nhiều địa phương rà soát việc bất động sản tăng giá bất thường
Tại Hà Nội, thành phố yêu cầu các huyện lập danh sách các trường hợp trả giá cao hơn thị trường để trúng đấu giá nhưng không nộp tiền, công khai trên trang thông tin của các huyện và Sở Tài nguyên và Môi trường.
Đồng thời, thành phố chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện quy định về đấu giá đất, hạn chế tổ chức đấu giá để giao đất cho cá nhân tự xây dựng nhà ở. Thành phố sẽ ưu tiên việc đấu giá đất có thu tiền sử dụng, cho thuê đất với đối tượng là tổ chức để thực hiện dự án đầu tư.
Các đơn vị tổ chức đấu giá đất cần xem xét việc quy định bước giá, hình thức đấu giá (đấu nhiều vòng bắt buộc) đảm bảo tính cạnh tranh và sát giá thị trường.
UBND tỉnh Hòa Bình vừa ban hành Công văn số 1938 về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm soát tình hình biến động giá bất động sản trên địa bàn tỉnh.
Theo công văn, UBND tỉnh Hòa Bình giao Sở Xây dựng rà soát hoạt động kinh doanh bất động sản của các doanh nghiệp, chủ đầu tư, sàn giao dịch bất động sản, môi giới bất động sản trên địa bàn tỉnh, đặc biệt tại các khu vực, dự án, khu chung cư có hiện tượng tăng giá bất thường.
Sở Xây dựng nắm bắt tình hình, nguyên nhân gây ra biến động giá của từng loại hình bất động sản; các chủ đầu tư dự án đủ điều kiện huy động vốn theo quy định nhằm bảo đảm minh bạch thông tin thị trường để ngăn chặn các hiện tượng gian lận, lừa dối, lừa đảo trong kinh doanh bất động sản.
Sở này cũng được giao thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình, kiểm tra và xử lý nghiêm các chủ đầu tư dự án kinh doanh bất động sản có hành vi chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất, phân lô bán nền trái quy định pháp luật.
UBND các huyện, thành phố được giao kiểm tra, kiểm soát các hoạt động mua đi, bán lại các bất động sản trao tay nhiều lần, đặc biệt là đất nền tại các khu hạ tầng kỹ thuật chia lô có hiện tượng tăng giá bất thường gây nhiễu loạn "sốt ảo" thị trường.
Đồng thời, giao các cơ quan này thanh tra, kiểm tra, có biện pháp chấn chỉnh các hành vi thổi giá, làm giá, đầu cơ, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan theo thẩm quyền.
Tương tự, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng ban hành chỉ thị tăng cường quản lý, kiểm soát tình hình biến động giá bất động sản trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Xây dựng phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát hoạt động kinh doanh bất động sản của các doanh nghiệp, chủ đầu tư, sàn giao dịch bất động sản, môi giới bất động sản trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, yêu cầu Sở Xây dựng tổ chức thanh tra, kiểm tra, có biện pháp chấn chỉnh các hành vi thổi giá, làm giá, đầu cơ, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, pháp luật kinh doanh bất động sản và pháp luật có liên quan (nếu có) theo thẩm quyền.
Tiếp đó, UBND tỉnh Bình Phước ban hành công văn yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường công tác quản lý, kiểm soát tình hình biến động giá bất động sản.
Theo công văn, UBND tỉnh Bình Phước giao Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan, kiểm tra hoạt động kinh doanh bất động sản của các doanh nghiệp, chủ đầu tư, sàn giao dịch bất động sản, môi giới bất động sản trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, yêu cầu kiểm soát việc mua đi, bán lại các bất động sản trao tay nhiều lần, đặc biệt tại các khu vực, dự án có hiện tượng tăng giá bất thường...
Tại Nghệ An, lãnh đạo tỉnh đánh giá thị trường bất động sản trên địa bàn thời gian qua chưa thực sự bền vững, hiện tượng mua đi bán lại thổi giá, đẩy giá có dấu hiệu hoạt động gây sốt ảo. Một số chủ đầu tư dự án tổ chức kinh doanh dự án chưa đảm bảo phù hợp với quy định, quảng cáo, rao bán sản phẩm khi chưa thực hiện đầy đủ quy trình.
Tỉnh yêu cầu Sở Xây dựng rà soát hoạt động kinh doanh bất động sản của các doanh nghiệp, chủ đầu tư, sàn giao dịch, môi giới trên địa bàn, đặc biệt tại các khu vực, dự án, khu chung cư có hiện tượng tăng giá bất thường.
Cùng với đó, rà soát các hoạt động đấu giá đất có hiện tượng tăng giá bất thường, nắm bắt tình hình, nguyên nhân gây ra biến động giá đất ở trên địa bàn trong giai đoạn qua để chủ động đề xuất các biện pháp điều tiết.
Tại Thanh Hóa, địa phương yêu cầu làm rõ nguyên nhân gây ra biến động giá của từng loại hình bất động sản như chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất ở trên địa bàn trong giai đoạn vừa qua. Có biện pháp quản lý chặt chẽ việc xây dựng nhà ở của người dân trong các dự án kinh doanh quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật theo hình thức phân lô, bán nền.
Trước đó, tình trạng đấu giá đất trúng cao bất thường rồi lại bỏ cọc tại Hà Nội đã gây ra hệ lụy xấu tới thị trường đất nền. Do đó, Sở Tài nguyên và môi trường Hà Nội đã kiểm tra, rà soát thực hiện theo trách nhiệm quản lý của cơ quan Nhà nước.
Sở Tài nguyên và môi trường đã ghi nhận tình trạng một số lô đất được trả giá cao vọt lên gấp nhiều lần tại các phiên đấu giá đất diễn ra ở các huyện ngoại thành thời gian vừa qua. Đa số khách hàng tham gia đấu giá đất nền không phải do nhu cầu thật, có dấu hiệu liên kết hội nhóm vì động cơ không lành mạnh.
Lãnh đạo Sở Tài nguyên và môi trường Hà Nội nhấn mạnh, việc thổi giá, tạo sóng sẽ khiến đất nền xung quanh khu vực đấu giá bị đẩy lên khiến thị trường bất động sản không được phát triển bình thường.
Theo Bộ Xây dựng, có nhiều nguyên nhân tác động làm tăng giá bất động sản nhà ở. Đặc biệt tại một số địa phương, khu vực có hiện tượng đấu giá quyền sử dụng đất với kết quả trúng đấu giá cao gấp nhiều lần giá khởi điểm.
Để kiểm soát thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng đề nghị các bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật trong đấu giá quyền sử dụng đất, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường.
Đồng Nai sẽ đấu giá 39 khu đất trong năm 2025
Hình ảnh dự án hơn 2.000 căn hộ đang xây ở Gia Lâm
Hà Nội giao hơn 1,2 triệu m2 đất cho Vingroup xây khu đô thị tại huyện Đan Phượng
Hải Dương sắp có khu nhà ở trung tâm thành phố quy mô hơn 3.000 người
Kon Tum chuẩn bị đấu giá 7 lô đất, giá khởi điểm từ 3,2 tỷ đồng/lô
Cận cảnh tổ hợp 41 tầng trồng 10.000 cây xanh ở Hưng Yên