Nhiều dự án lớn ở Quảng Ngãi đang gặp khó khăn
2 dự án kè xin lùi thời gian hoàn thành
Dự án kè chống sạt lở kết hợp tạo quỹ đất bờ Bắc sông Trà Khúc có mức đầu tư 180 tỷ đồng, nằm trên địa bàn xã Tịnh Long và Tịnh Khê (TP Quảng Ngãi). Theo kế hoạch, dự án được thực hiện trong năm 2023- 2024.
Năm 2024, dự án được bố trí kế hoạch vốn là 132 tỷ đồng từ nguồn thu tiền sử dụng đất. Đến nay, chủ đầu tư đã bàn giao mặt bằng cho các nhà thầu thi công được 6,89/7,92ha, đạt 80,71% tổng diện tích mặt bằng hạng mục công trình kè. Lũy kế giá trị thực hiện đến nay hơn 50 tỷ đồng, đạt 40% giá trị hợp đồng.
Dự án đầu tư xây dựng kè chống sạt lở kết hợp tạo quỹ đất bờ bắc sông Trà Khúc nằm trên địa bàn xã Tịnh An và Tịnh Long (TP Quảng Ngãi) có tổng mức đầu tư 230 tỷ đồng; thời gian thực hiện dự án từ năm 2023 - 2024.
Năm 2024, dự án được bố trí kế hoạch vốn là 165 tỷ đồng từ nguồn thu tiền sử dụng đất. Đến nay, chủ đầu tư đã bàn giao 95% mặt bằng cho nhà thầu thi công.
Tuy nhiên, theo Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi (chủ đầu tư 2 dự án trên), các dự án đang gặp vướng mắc do tỉnh không có nguồn thu để nhập kế hoạch vốn. Từ đó, không có vốn để giải ngân cho công tác thi công và giải phóng mặt bằng.
Ngoài ra, công tác giải phóng mặt bằng của dự án gặp nhiều khó khăn. Vướng mắc lớn nhất liên quan đến xác định giá đất cụ thể tính tiền bồi thường, dẫn đến tiến độ triển khai thực hiện dự án không đảm bảo theo kế hoạch đề ra.
Vì vậy, chủ đầu tư đề nghị UBND tỉnh xem xét, cho phép điều chỉnh thời gian hoàn thành công trình sang năm 2025. Đồng thời, điều chỉnh giảm kế hoạch vốn năm 2024 đã bố trí cho dự án cho phù hợp với tình hình thực tế. Chỉ đạo Sở Tài chính nhập trước vào hệ thống Tabmis 30 tỷ đồng/dự án để triển khai thi công và chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ.
Đơn vị này cũng kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND TP Quảng Ngãi khẩn trương giải quyết dứt điểm các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; lập các thủ tục thu hồi, giao đất để tổ chức đấu giá thu tiền sử dụng đất.
Dự án giao thông 3.500 tỷ đồng chậm tiến độ
Trong khi đó, công trình trọng điểm chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025 – 2030 là đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi cũng bị chậm tiến độ.
Dự án có tổng mức đầu tư 3.500 tỷ đồng, trong đó vốn Trung ương 1.300 tỷ đồng với chiều dài 26,88km (đi qua các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh và TP Quảng Ngãi), được khởi công vào tháng 12/2023, phấn đấu hoàn thành trong năm 2025.
Đây là dự án hạ tầng giao thông có quy mô lớn nhất từ trước đến nay của tỉnh Quảng Ngãi với mục tiêu mở ra không gian mới, tạo động lực phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Đại diện chủ đầu tư- Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi Ngô Văn Dụng cho biết, dự án đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi đang vướng giải phóng mặt bằng, mỏ vật liệu phục vụ thi công nên không có điều kiện thi công dự án.
Bên cạnh đó, một số nhà thầu thi công trên công trường đã di chuyển thiết bị đi nơi khác. Việc lên khối lượng thanh toán, hoàn ứng, giải ngân vì thế cũng bị trì trệ theo.
Báo cáo của Sở GTVT tỉnh Quảng Ngãi (đơn vị được UBND tỉnh giao theo dõi tiến độ dự án) cho thấy, dự án đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi đang chậm tiến độ mọi mặt. Đến nay bàn giao mặt bằng mới chỉ đạt 15,5%; giá trị thi công đạt gần 4 tỷ đồng/2.350 tỷ đồng, tương đương 0,17%.
Hiện các nhà thầu thi công chưa hoàn thành thủ tục khai thác 9 mỏ cát được UBND tỉnh khoanh định phục vụ dự án; chưa tập kết máy móc, nhân lực để thi công công trình.
Theo lãnh đạo UBND huyện Bình Sơn, khó khăn lớn nhất là việc xác định tính chất pháp lý đất đai, xác định giá đất. Vì thế, địa phương hiện chỉ mới phê duyệt được 6 phương án bồi thường, đạt 4,9% tổng diện tích phải thu hồi.
Đối với TP Quảng Ngãi, địa phương đã phê duyệt 5 phương án bồi thường, đạt 1,9% tổng diện tích cần thu hồi; huyện Sơn Tịnh phê duyệt 3 phương án, đạt 1% tổng diện tích cần thu hồi.
Liên quan vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền đã yêu cầu chủ đầu tư, chính quyền các địa phương tập trung tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải phóng, bàn giao mặt bằng.
Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để tháo gỡ vướng mắc, sớm đưa các mỏ khoáng sản vào khai thác. Sở Tài nguyên- Môi trường phối hợp với chủ đầu tư lập thủ tục trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa để thi công công trình.
Ông Hiền yêu cầu các nhà thầu phải có trách nhiệm bám sát hiện trường, báo cáo kịp thời các vướng mắc cho chủ đầu tư và chính quyền địa phương để có cách tháo gỡ. Đặc biệt, không thể tùy tiện ngừng thi công, rút thiết bị khỏi công trường. Nhà thầu nào cố tình vi phạm hợp đồng, gây trì trệ tiến độ dự án, tỉnh sẽ chỉ đạo xử lý nghiêm theo quy định.
Hà Phương
https://kinhtedothi.vn/nhieu-du-an-lon-o-quang-ngai-dang-gap-kho-khan.html
Hà Nội xảy ra 1.257 sự cố, hư hỏng về kết cấu hạ tầng giao thông
Đường sắt qua cầu Long Biên và cầu Đuống hoạt động trở lại từ chiều nay 13/9
Hải Phòng ngừng sử dụng 41 chung cư cũ cấp độ D, di dời 2.600 hộ dân
Nam Định cấm một số phương tiện lưu thông trên cầu Đò Quan
Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế phối hợp quản lý, khai thác di tích Hải Vân Quan
Cấm phương tiện lưu thông trên Quốc lộ 1 đoạn qua TP Phủ Lý, chiều từ Hà Nội về