Phê duyệt Đề án Thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam
Mục tiêu chung của Đề án là phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đã cam kết tại Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) với chi phí của doanh nghiệp và xã hội thấp, tạo dòng tài chính mới cho hoạt động cắt giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển công nghệ phát thải thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam ở trong nước và trên thị trường thế giới, phát triển nền kinh tế carbon thấp và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.
Đề án đặt mục tiêu đến trước tháng 6 năm 2025: Từng bước xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon và cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon, đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc triển khai thí điểm sàn giao dịch carbon; xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ tổ chức vận hành thị trường carbon.
Năng lực quản lý, tổ chức vận hành thị trường carbon của cơ quan quản lý nhà nước, năng lực và nhận thức của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đáp ứng việc sẵn sàng tham gia thị trường carbon.

Theo Đề án, hàng hóa trên thị trường carbon gồm 02 loại:
Hạn ngạch phát thải khí nhà kính, được phân bổ cho các cơ sở thuộc Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính do Thủ tướng Chính phủ ban hành theo phương thức miễn phí và phương thức đấu giá.
Tín chỉ carbon được xác nhận giao dịch trên thị trường, trong đó gồm Tín chỉ carbon thu được từ chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước theo quy định của pháp luật;
Tín chỉ carbon thu được từ chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon quốc tế: Tín chỉ carbon thu được từ Cơ chế phát triển sạch (CDM); Tín chỉ carbon thu được từ Cơ chế tín chỉ chung (JCM); Tín chỉ carbon thu được theo Cơ chế theo Điều 6 Thỏa thuận Paris.
Quá trình triển khai thị trường các-bon được chia làm hai giai đoạn chính. Giai đoạn thí điểm sẽ diễn ra từ năm 2025 - 2028, tập trung vào việc giao dịch hạn ngạch phát thải và tín chỉ carbon trên sàn nội địa. Thời kỳ này cũng sẽ tập trung vào việc nghiên cứu, thử nghiệm và xây dựng khả năng kết nối với thị trường quốc tế.
Sau giai đoạn thử nghiệm, từ năm 2029, thị trường carbon sẽ chính thức vận hành toàn quốc. Trong giai đoạn này, thị trường sẽ được mở rộng về quy mô, phạm vi giao dịch, đồng thời đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế nhằm mang lại hiệu quả kinh tế và môi trường cao nhất.
Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao trọng trách chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan để xây dựng và quản lý thị trường các-bon. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp và tổ chức cũng sẽ được hỗ trợ nâng cao năng lực nhằm tham gia hiệu quả vào thị trường này.
Việc thành lập thị trường các-bon không chỉ giúp Việt Nam đạt được các cam kết khí hậu quốc tế, mà còn tạo cơ hội thúc đẩy các sáng kiến kinh doanh xanh, thu hút đầu tư, và nâng cao vị thế của doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế.
Đề án này đánh dấu một bước tiến chiến lược trong hành trình phát triển bền vững của Việt Nam, khẳng định quyết tâm của quốc gia trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu và đóng góp vào các nỗ lực toàn cầu về giảm phát thải khí nhà kính.
Xử phạt hàng tỷ đồng nhiều doanh nghiệp ở Đồng Nai do vi phạm về môi trường
Quảng Nam khởi công xây dựng dự án chống xói lở, bảo vệ bờ biển Hội An
Nghiên cứu bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch theo trục đường Võ Chí Công
Thành lập Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp và môi trường Hà Nội
Ngày 22/3, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài “tắt đèn” hưởng ứng Giờ Trái đất 2025
Băng giá xuất hiện ở Tà Xùa vào giữa tháng 3