Phú Thọ: nhiều thành tựu nổi bật trong xây dựng nông thôn mới ở Phù Ninh
Tính riêng từ năm 2021 đến nay, nguồn lực huy động người dân trong xây dựng nông thôn mới đạt trên 50 tỷ đồng, trong đó hiến đất làm đường trị giá hơn 22,5 tỷ đồng, ngày công lao động trên 13 tỷ đồng, đường hoa 835 triệu đồng, camera an ninh gần 1,5 tỷ đồng, tiền mặt gần 4,8 tỷ đồng...
Đến nay, toàn huyện Phù Ninh có 16/16 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư, nhất là đường giao thông, trường học; các thiết chế văn hóa, thể thao được nâng cấp, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc. Giao thông nông thôn được cải tạo, nâng cấp, từng bước hiện đại, kết nối với hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực.
Lĩnh vực giáo dục được tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp theo hướng kiên cố hóa, huy động các nguồn lực đầu tư duy trì, nâng cao chất lượng trường chuẩn quốc gia. Những năm gần đây, số lượng các trường chuẩn quốc gia ở huyện Phù Ninh ngày càng tăng, cùng với đó là chất lượng giáo dục và đào tạo từng bước được nâng cao.
Hệ thống thông tin, truyền thông gắn với chuyển đổi số phát triển nhanh, đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận tri thức mới, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Huyện có 1 điểm giao dịch trung tâm huyện, 16 điểm bưu điện văn hóa xã, hoạt động bưu chính cung ứng dịch vụ công ích phục vụ tốt nhu cầu của Nhân dân.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực y tế được tăng cường đầu tư; người dân đã được tiếp cận, sử dụng các dịch vụ y tế tại chỗ, hiện nay 100% xã đạt tiêu chuẩn Quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2030, toàn huyện có 92,8% dân số tham gia bảo hiểm y tế.
Các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao được tổ chức thường xuyên, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân; 17/17 xã có nhà văn hóa, trung tâm thể thao đạt chuẩn, đảm bảo phục vụ sinh hoạt cộng đồng. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững, đời sống Nhân dân ngày càng được cải thiện, nâng cao.
Huyện Phù Ninh xác định những cây trồng, vật nuôi chủ lực để đầu tư phát triển, hình thành các vùng sản xuất tập trung liên kết theo chuỗi giá trị đã được cấp mã số vùng trồng, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất. Đến nay, giá trị sản phẩm bình quân trên 1ha đất canh tác nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt hơn 115 triệu đồng/năm.
Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và thu hút đầu tư vào địa bàn nông thôn đạt khá, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn theo hướng giảm lao động nông nghiệp, tăng lao động phi nông nghiệp.
Mới đây, xã Phú Lộc của huyện Phú Ninh vừa được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023. Đây là động lực để chính quyền và nhân dân tích cực tham gia hợp tác, liên kết, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát triển kinh tế, khôi phục và phát triển ngành nghề nông thôn, xây dựng nông thôn mới, phát triển sản phẩm chủ lực, đặc trưng theo Chương trình OCOP. Sản xuất nông nghiệp có sự chuyển dịch tích cực, tiếp tục phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất, sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn.
Chia sẻ về kế hoạch xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Phù Ninh trong thời gian tới, ông Nguyễn Phúc Suyên - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, huyện tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, huyện sẽ tiếp tục lồng ghép có hiệu quả các chương trình, dự án trên địa bàn để phát huy nội lực, đẩy mạnh huy động nguồn lực từ các tổ chức kinh tế, cộng đồng dân cư kết hợp với nguồn kinh phí được hỗ trợ. Toàn huyện sẽ nỗ lực và quyết tâm thực hiện đầu tư xây dựng nông thôn mới, phấn đấu xây dựng huyện Phù Ninh cơ bản trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2025.
Huyện Mê Linh chi 13,3 tỷ đồng hỗ trợ người dân phòng, chống lũ
Huyện Sóc Sơn khẩn trương khắc phục hậu quả của mưa lũ
Thành lập Ban Chỉ đạo Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp
Báo động lũ trên các sông ở Thái Bình, Hải Dương
Nhiều lợi ích từ mô hình “nông nghiệp đô thị”
Cần một chiến lược tổng thể để nâng chất lượng nước sạch nông thôn