Quận Ba Đình nghiên cứu phương án cải tạo, tái thiết chợ Long Biên
Không ảnh hưởng đến dân sinh
Chương trình Xưởng thiết kế kiến trúc Quốc tế AIAC 2025 được tổ chức tại Hà Nội với sự tham gia của 14 nhóm sinh viên đến từ 14 trường đại học danh tiếng trên thế giới như Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc), Đại học Quốc gia Gyeongsang (Hàn Quốc), Đại học Tokyo (Nhật Bản), Trường Kiến trúc Paris - Belleville (Pháp), Đại học Ricardo Palma (Peru), Trường Đại học Xây dựng Hà Nội (Việt Nam)…Năm nay, chương trình AIAC sẽ quay trở lại Việt Nam sau 10 năm (2015 - 2025) với chủ đề "Reconstruction of LongBien market". Thông qua cuộc thi, các ý tưởng thiết kế được nghiên cứu, không chỉ đơn thuần là một khu chợ đông đúc nổi tiếng trên địa bàn quận Ba Đình mà nó còn tái hiện lại bức tranh lịch sử và văn hóa của Hà Nội.

Với mong muốn cảm hứng trong thiết kế có sự giao thoa giữa hiện đại và truyền thống, giữa đô thị cũ và không gian xanh sẽ tạo ra một không gian đa chức năng phục vụ buôn bán thương mại nhưng không ảnh hưởng đến dân sinh, kết hợp tổ chức không gian văn hóa, nghệ thuật đường phố, khu vực ẩm thực hòa nhập với cảnh chợ đêm nhộn nhịp tại đây, đồng thời, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử khu vực. Những ý tưởng thiết kế hay sẽ được quận Ba Đình nghiên cứu thực hiện các dự án quy hoạch, cải tạo khu vực chợ Long Biên sau này.
AIAC (Atelier International d'Architecture Construite) được thành lập vào năm 1999 để phát triển phương pháp sư phạm thiết kế kiến trúc đáp ứng những thách thức và nhu cầu của kết nối toàn cầu trong môi trường xây dựng. Đây là sự hợp tác giữa các trường kiến trúc nổi tiếng trên thế giới để chia sẻ kinh nghiệm của họ về các dự án thiết kế chung hàng năm. Sinh viên từ các trường đối tác hợp tác để nghiên cứu lĩnh vực văn hóa tại một địa điểm cụ thể và trao đổi ý tưởng thiết kế và triển lãm các đề xuất của họ. Các tác phẩm chiến thắng được lựa chọn bởi một ban giám khảo quốc tế.
Chợ Long Biên là một phần không thể thiếu trong nhịp sống của Hà Nội
Chợ Long Biên (phường Phúc Xá, quận Ba Đình) có diện tích hơn 27.000 m2, thiết kế tối đa 3 tầng cao, quy mô chợ cấp 2. Chợ Long Biên được xây dựng từ năm 1991 và được đưa vào sử dụng năm 1992, gắn liền với sự phát triển của hệ thống giao thông đường sắt và đường thủy tại Hà Nội. Nằm ngay dưới chân cầu Long Biên, gần ga tàu và bến sông Hồng, chợ nhanh chóng trở thành điểm trung chuyển hàng hóa quan trọng, đặc biệt là nông sản từ các tỉnh miền Bắc đổ về. Ban đầu, chợ chủ yếu phục vụ nhu cầu mua bán của tiểu thương trong TP, nhưng theo thời gian, quy mô ngày càng mở rộng, biến nơi đây thành một trong những chợ lớn nhất Hà Nội, cung cấp rau củ, hoa quả và thực phẩm cho các chợ dân sinh cũng như các nhà hàng, quán ăn.
Sau hơn 30 năm đi vào sử dụng, dù đang đối mặt với tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, chợ Long Biên vẫn là một phần không thể thiếu trong nhịp sống đô thị, là đầu mối cung cấp thực phẩm quan trọng và điểm đến quen thuộc của tiểu thương, người dân cũng như du khách muốn khám phá một Hà Nội về đêm. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng cũ kỹ, đường sá chật hẹp khiến việc vận chuyển hàng hóa trở nên khó khăn, trong khi tình trạng vệ sinh môi trường và an toàn cháy nổ vẫn chưa được giải quyết triệt để. Việc kiểm soát nguồn gốc thực phẩm cũng cần được siết chặt hơn để đảm bảo chất lượng hàng hóa lưu thông.
Chính vì vậy, công tác cải tạo chợ Long Biên cần được quan tâm đúng mức, không chỉ để khắc phục những hạn chế hiện tại mà còn để giữ gìn nét văn hóa giao thương truyền thống, đồng thời kết hợp hài hòa với các yếu tố hiện đại, giúp chợ tiếp tục là một không gian giao thoa giữa quá khứ và tương lai của Thủ đô.
Hình ảnh Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 gây lãng phí, thiệt hại ngân sách
Tại sao vẫn tiếp tục xuất hiện những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo?
Hà Nội: tăng cường quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn cho đến khi hoàn thành sáp nhập
Hà Nội chấn chỉnh, xử lý cơ quan, đơn vị có trụ sở để hoang hóa, sử dụng kém hiệu quả
Dịp lễ, xe tải bị cấm vào nội thành TP Hồ Chí Minh trong một số khung giờ cao điểm
Ô tô 16 chỗ trở lên không được phép di chuyển trên phố Ngọc Hà