Quảng Ninh khánh thành nhà máy sản xuất ô tô thương hiệu Skoda
Nhà máy ô tô Thành Công Việt Hưng là dự án trung tâm trong Tổ hợp Chuyên đề công nghiệp ô tô và phụ trợ Thành Công Việt Hưng có tổng quy mô 400 ha, với số vốn 8.679 tỷ đồng do Tập đoàn Thành Công làm chủ đầu tư.
Nhà máy được khởi công xây dựng vào đầu năm 2023. Nhà máy có tổng diện tích 36,5 ha; quy mô sản xuất, lắp ráp xe ô tô công suất 120.000 xe ô tô/năm.
Sau gần 2 năm thi công, nhà máy hoàn thành toàn bộ các hạng mục xây lắp theo đúng thiết kế, quy mô; đảm bảo các yếu tố kỹ thuật, công nghệ đồng bộ, hiện đại, tiên tiến. Giai đoạn hiện nay, nhà máy vận hành sản xuất, lắp ráp ô tô thương mại, thương hiệu Skoda - thương hiệu ô tô lâu đời nhất của Cộng hòa Séc.
Trong đó, khu vực sản xuất chính của nhà máy là xưởng hàn, xưởng sơn, xưởng lắp ráp, được trang bị hệ thống dây chuyền sản xuất hiện đại với mức độ tự động hóa cao, ứng dụng các công nghệ tiên tiến của thế giới trong ngành công nghiệp ô tô.
Toàn bộ quy trình sản xuất tại Nhà máy được kiểm soát chặt chẽ thông qua hệ thống quản lý dữ liệu thông minh, giúp tối ưu năng suất và đảm bảo chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Đây cũng là Nhà máy lắp rắp, sản xuất ô tô mang thương hiệu Skoda Auto đầu tiên tại Việt Nam và Đông Nam Á. Hai sản phẩm đầu tiên của thương hiệu Skoda được lắp ráp tại nhà máy là Skoda Kushaq và Skoda Slavia. Dự kiến trong quý II/2025, sản phẩm ô tô đầu tiên là Skoda Kushaq sẽ ra mắt thị trường tiêu dùng trong nước.
Phát biểu tại lễ khánh thành, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp; chủ động phối hợp với các Bộ, ngành và các cơ quan liên quan để kịp thời tháo gỡ hoặc tham mưu với cấp có thẩm quyền tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Đồng thời, nghiên cứu, tham mưu với cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp, nhất là các ngành công nghiệp có tính nền tảng, góp phần thực hiện thắng lợi, toàn diện mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Việc đưa nhà máy vào hoạt động không chỉ đánh dấu bước chuyển mới của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tỉnh Quảng Ninh, mà còn đồng hành cùng Chính phủ trong mục tiêu tăng tỷ lệ nội địa hóa, tăng khả năng tự chủ trong sản xuất ô tô tại Việt Nam.
Sau khi Nhà máy ô tô Thành Công Việt Hưng chính thức đi vào vận hành thương mại, Tổ hợp Chuyên đề công nghiệp ô tô và phụ trợ Thành Công Việt Hưng sẽ tiếp tục thu hút các dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất pin và động cơ; khu vực kho; khu vực R&D; khu phụ trợ; khu vực cảng; khu vực dịch vụ…
Không dừng lại ở việc hợp tác và phát triển một vài dòng sản phẩm của một thương hiệu, với việc đầu tư tiếp Giai đoạn 2 của Dự án và các Dự án thành phần khác như Nhà máy dập, y hàn, nhà máy động cơ và các nhà máy phụ trợ trong các năm tới đây sẽ đưa Tổ hợp công nghiệp Ô tô và phụ trợ Thành Công Việt Hưng thành tổ hợp sản xuất ô tô hoàn chỉnh với năng lực sản xuất cao, tạo nhiều việc làm, đóng góp lớn vào sự phát triển tại địa bàn Tỉnh Quảng Ninh nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung.
Đường Tân Phúc - Võng Phan qua Ân Thi, Hưng Yên vẫn vướng mặt bằng
Dự án cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng chính thức được khởi công tại đoạn đi qua tỉnh Ninh Bình
Hình ảnh cầu vượt sông Nhuệ trên Vành đai 5 qua Hà Nam
Hình ảnh Trường ĐH Công nghệ Đông Á cơ sở Bắc Ninh đang xây dựng, bị xử phạt nhiều lần
Sân bay Gia Bình sau 5 tháng khởi công
Công trường cầu nghìn tỷ nối Bắc Ninh - Hải Dương Hạ Vũ