Rạn san hô toàn cầu đang "kêu cứu" vì biến đổi khí hậu
Hiện tượng san hô bị "tẩy trắng" xảy ra khi nước biển nóng lên, loại bỏ tảo cộng sinh, dẫn đến mất sắc tố rực rỡ và chỉ còn lại màu trắng tinh.
Hơn 62,9% rạn san hô trên thế giới đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề do hệ quả từ hiện tượng tẩy trắng kéo dài từ năm ngoái và vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Con số này đang tiến gần đến mức kỷ lục 65,7% được ghi nhận vào năm 2017. Theo ông Derek Manzello, điều phối viên Chương trình Giám sát Rạn san hô thuộc Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA), trong thời gian từ năm 2009 đến năm 2017, khoảng 14% rạn san hô trên thế giới đã chết.
Theo thông tin được đưa ra trong buổi họp báo khí hậu hàng tháng của NOAA, ông Derek Manzello cho biết tình trạng tẩy trắng san hô tại khu vực Đại Tây Dương ngoài khơi Florida và vùng Caribe đang ở mức báo động. Khoảng 99,7% rạn san hô tại đây đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là loài san hô Staghorn và Elkhorn.
Hơn 60 quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt với tình trạng các rạn san hô bị tàn phá do biến đổi khí hậu. Thậm chí, chính quyền Thái Lan đã phải đưa ra quyết định đóng cửa một hòn đảo du lịch nổi tiếng để bảo vệ hệ sinh thái san hô tại đây.
Các nhà khí tượng dự báo về khả năng xảy ra La Niña, hiện tượng tự nhiên khiến khu vực biển Thái Bình Dương lạnh hơn, gây ảnh hưởng đến thời tiết toàn cầu. Hiện tượng này có thể giúp giảm nhiệt độ nước, tuy nhiên ông Derek Manzello cho rằng tác động của La Niña đến quá muộn để cứu vãn toàn bộ rạn san hô đang bị ảnh hưởng.
Ông Manzello bày tỏ lo ngại sâu sắc về tình trạng của các rạn san hô trên thế giới: "Tôi thực sự rất lo lắng về tình trạng của các rạn san hô trên toàn cầu bởi diễn biến khí hậu bất ngờ và tiêu cực”.
Nhiệt độ đại dương trong năm qua đã vượt ngoài tầm kiểm soát, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự sinh trưởng và phát triển của san hô. Theo ông Manzello, các cơn bão có thể mang theo nguồn nước mát từ dưới sâu đại dương, giúp giảm bớt tác động tiêu cực của nhiệt độ cao đối với san hô. Tuy nhiên, điều này chỉ khả thi nếu cơn bão đó không di chuyển trực tiếp các khu vực rạn san hô.
Ông Manzello thừa nhận: "Bão có thể tàn phá rạn san hô. Nhưng xét trên tổng thể tình hình hiện tại của Trái Đất, thì bão - theo một cách nào đó - lại trở thành điều tốt. Điều này thật khó tin phải không?"
Theo các nhà nghiên cứu về bão Brian McNoldy thuộc Đại học Miami và Phil Klotzbach thuộc Đại học Colorado, một số khu vực ở Đại Tây Dương - nơi thường xuyên hình thành bão - đang ghi nhận mức nhiệt dung đại dương (thước đo độ ấm của nước ở các độ sâu) cao kỷ lục, tương đương với giữa tháng Tám. Đây là một dấu hiệu đáng báo động cho mùa bão 2024, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho các khu vực ven biển.
Vừa qua, các đại dương trên thế giới đã lập kỷ lục về tháng Tư nóng nhất trong lịch sử. Đây cũng là tháng thứ 13 liên tiếp các vùng biển toàn cầu phá vỡ kỷ lục về nhiệt độ. Theo bà Karin Gleason, Giám đốc giám sát khí hậu của NOAA, do đại dương có tốc độ nóng lên và hạ nhiệt chậm, nhiều khả năng các kỷ lục nhiệt độ mới sẽ tiếp tục được thiết lập trong tương lai.
San hô không chỉ đóng góp vào sự đa dạng của hệ sinh thái biển, mà còn đóng vai trò quan trọng trong ngành sản xuất hải sản và du lịch toàn cầu. Các nhà khoa học cảnh báo sự biến mất của các rạn san hô sẽ là "điểm ngoặt" quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Nếu nhiệt độ Trái Đất tiếp tục tăng cao, vượt quá ngưỡng 1,5 độ C so với thời kỳ Tiền Công nghiệp - mức giới hạn mà các quốc gia đã cam kết trong Thỏa thuận Paris 2015 thì hậu quả đối với các rạn san hô sẽ vô cùng thảm khốc.
Ông Andrew Pershing, nhà hải dương học sinh vật biển kiêm Phó Chủ tịch phụ trách Khoa học của trung tâm Climate Central, chia sẻ: "Đây là một trong những hệ sinh thái mang tính đa dạng sinh học nhất trên hành tinh. Thật đáng buồn khi con người đang phải chứng kiến sự biến mất của các rạn san hô trong chính thời đại này."
Thu Hương
https://kinhtedothi.vn/ran-san-ho-toan-cau-dang-keu-cuu-vi-bien-doi-khi-hau.html
Lạng Sơn nhân rộng mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn
Phát hiện 17.342 vụ vi phạm môi trường trong 9 tháng
Kịch bản chính sách toàn diện loại bỏ 96% lượng nhựa rò rỉ ra môi trường
Bắc Ninh kiên quyết xử lý ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, cụm công nghiệp
Sáng nay (7/10), Hà Nội ô nhiễm không khí nhất thế giới
Đà Nẵng: tổng kết chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế Giảm nhẹ rủi ro thiên tai