Thành phố duy nhất của Việt Nam được vinh danh “thành phố xanh quốc gia”
Niềm vinh dự của TP Huế
Khác với tình trạng ô nhiễm ngày một cao ở các đô thị lớn khác, TP Huế luôn là đô thị có tốc độ đô thị hóa không quá nhanh cũng không tác động mạnh đến môi trường, rất thích hợp để phát triển đô thị xanh. Tỉnh Thừa Thiên Huế đang từng bước xây dựng địa phương theo hướng đô thị di sản, văn hóa sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh.
Nhằm kêu gọi các thành phố trên khắp thế giới hãy hành động và hướng tới một hành tinh tương lai thân thiện với môi trường và xây dựng các kế hoạch bảo vệ môi trường bền vững, Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên-WWF đã tổ chức Chương trình Thành phố Xanh Quốc tế. Các thành phố tham gia phải đáp ứng được tiêu chí phát thải carbon kèm theo ít nhất một cam kết và một kế hoạch hành động phát triển bền vững về các lĩnh vực môi trường, xây dựng, giao thông, năng lượng, lương thực và nguồn nước.
Năm 2016, TP Huế của Việt Nam vinh dự cùng 17 thành phố khác trên thế giới lọt vào vòng chung kết cuộc bầu chọn. Huế đã xuất sắc đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt của chương trình và được xếp vào hàng ngũ các thành phố xanh toàn cầu với mục tiêu cắt giảm 20% lượng khí thải nhà kính vào năm 2020. Đi kèm với mục tiêu, TP Huế đưa ra 7 dự án hành động chi tiết, thể hiện nỗ lực làm xanh đô thị, phát triển du lịch bền vững, thân thiện với môi trường.
Tiếp tục nỗ lực vì một “thành phố xanh”
Từ khi được tôn vinh “thành phố xanh quốc gia”, TP Huế đã không ngừng nỗ lực thực hiện cam kết về giảm mức khí thải gây hiệu ứng nhà kính, cũng như kế hoạch đề ra. Theo số liệu của Bộ Xây dựng, TP Huế có mật độ cây xanh cao nhất cả nước, đạt 12,9m2/người. Huế đang có hơn 64.000 cây xanh đường phố, vượt tiêu chuẩn về cây xanh đối với đô thị loại 1.
Theo nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị hướng đến năm 2025, với những giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa, hệ thống sinh thái cảnh quan, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Điều này sẽ tạo điều kiện, tiếp thêm động lực để chính quyền và nhân dân xây dựng TP Huế trở thành một đô thị xanh.
Do đó, TP Huế nói riêng, tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung luôn xác định phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững là mục tiêu có ý nghĩa không chỉ trước mắt mà là chiến lược lâu dài. Tỉnh và thành phố luôn nỗ lực nhằm đẩy mạnh tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường, góp phần vào việc giữ gìn không gian xanh của Huế.
Hạ Long đón những đoàn khách du lịch đầu tiên sau bão Yagi
Công viên địa chất Lạng Sơn được công nhận là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO
Đền Hát Môn được công nhận là điểm du lịch di tích quốc gia đặc biệt
Tỉnh Lạng Sơn sẽ tu bổ, tôn tạo di tích đền Vua Lê
Hà Nội được vinh danh “Điểm đến thành phố hàng đầu châu Á” năm 2024
50 hoạt động hấp dẫn phục vụ du khách dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 tại Đà Nẵng