Thành phố Tây Ninh được công nhận là đô thị loại II
Theo đó, phạm vi công nhận loại đô thị gồm toàn bộ địa giới hành chính của TP Tây Ninh hiện hữu, trong đó khu vực nội thành gồm 7 phường (các phường 1, 2, 3, 4, Hiệp Ninh, Ninh Sơn, Ninh Thạnh), khu vực ngoại thành gồm 3 xã (các xã Bình Minh, Tân Bình, Thạnh Tân).
TP Tây Ninh nằm cách TP Hồ Chí Minh 99km theo QL22, TL782, cách biên giới Campuchia 45km về phía Tây Bắc, là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế tỉnh Tây Ninh; trung tâm lớn về văn hoá, khoa học, giáo dục, kinh tế của vùng biên giới Việt Nam - Campuchia.
Thành phố có nhiều lợi thế về vị trí địa lý, có cơ sở hạ tầng phát triển, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, thuận lợi phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ. Nơi đây có đầy đủ lợi thế vượt trội phát triển về kinh tế, thu hút đầu tư so với các huyện khác, là đầu mối giao thương, trung chuyển hàng hóa, dịch vụ, du lịch giữa các tỉnh lân cận, đồng thời còn có vị trí chiến lược trong an ninh quốc phòng.

Theo đồ án Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TP Hồ Chí Minh đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, TP Tây Ninh (đô thị loại II) được xác định là cực tăng trưởng của vùng, phát triển các chức năng về kinh tế cửa khẩu, kho vận, trung chuyển hàng hóa trên trục hành lang xuyên Á; công nghiệp chế biến nông lâm sản, trồng cây công nghiệp.
Việc được công nhận đô thị loại II sẽ giúp TP Tây Ninh phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, đáp ứng với nguyện vọng của nhân dân thành phố. Đồng thời, đây là điều kiện quan trọng để tạo lập vị thế, thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP Tây Ninh.
Qua đó sẽ định hướng phát triển và đầu tư nâng cấp về mọi mặt theo các tiêu chí cao hơn; mang lại bộ mặt đô thị văn minh, hiện đại, nâng cao chất lượng sống người dân.
Sau khi được công nhận đô thị loại II, thành phố Tây Ninh tiếp tục phấn đấu đến năm 2030 đạt 75% tiêu chí đô thị loại I. Thành phố sẽ có từ 4-6 khu chức năng và khu đô thị mới theo quy hoạch chung được duyệt, ứng dụng công nghệ cao, thông minh, công nghệ kỹ thuật số trong công tác quản lý, xây dựng đô thị.
Đô thị Tây Ninh được công nhận là đô thị loại III vào tháng 12/2012 và 1 năm sau được công nhận là thành phố. Từ đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tây Ninh luôn chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị của thành phố đồng bộ theo các tiêu chí đô thị loại III, từng bước xây dựng đô thị đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn đô thị loại II.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Thu nhập bình quân đầu người tại Tây Ninh đạt mức 1,53 lần so với cả nước, cân đối thu - chi ngân sách dương.
Theo đại diện UBND TP Tây Ninh, việc được công nhận là đô thị loại II sẽ tạo động lực thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Thành phố sẽ tiếp tục thực hiện các chương trình phát triển đô thị theo định hướng của tỉnh, góp phần hoàn thiện hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2030.
Đường Tân Phúc - Võng Phan qua Ân Thi, Hưng Yên vẫn vướng mặt bằng
Dự án cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng chính thức được khởi công tại đoạn đi qua tỉnh Ninh Bình
Hình ảnh cầu vượt sông Nhuệ trên Vành đai 5 qua Hà Nam
Hình ảnh Trường ĐH Công nghệ Đông Á cơ sở Bắc Ninh đang xây dựng, bị xử phạt nhiều lần
Sân bay Gia Bình sau 5 tháng khởi công
Công trường cầu nghìn tỷ nối Bắc Ninh - Hải Dương Hạ Vũ