Tháo gỡ các điểm nghẽn để thị trường BĐS trở lại lành mạnh và phát triển
Ngày 16/11, tại Hà Nội, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan tổ chức diễn đàn "Để thị trường bất động sản trở lại lành mạnh và phát triển".
Tham gia diễn đàn có đại diện lãnh đạo Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, lãnh đạo TP Hà Nội cùng các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực kinh tế, bất động sản.
Phát biểu tại Diễn đàn, Tổng Giám đốc, Tổng Biên tập Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội Nguyễn Kim Khiêm cho biết, những ngày qua, nếu theo dõi tin tức trên các nền tảng truyền hình, phát thanh và nội dung số của Đài Hà Nội, VTV cũng như các phương tiện truyền thông khác sẽ cảm nhận rõ một làn gió mới và những biến chuyển mạnh mẽ ở thượng tầng qua các thông điệp quyết liệt mà Tổng Bí thư Tô Lâm đưa ra. Đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình là mục tiêu cao nhất, là cụm từ khoá lan toả mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội. Và để bước vào kỷ nguyên vươn mình đó, giải pháp mà người đứng đầu Đảng đưa ra là khơi thông và huy động mọi nguồn lực của đất nước, của xã hội, của cả công và tư cho mục tiêu phát triển này, thông qua việc tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế.
Một trong những nguồn lực đặc biệt quan trọng để phát triển đất nước chính là nguồn lực đất đai, sử dụng nguồn lực đất đai hiệu quả thông qua việc phát triển một thị trường BĐS lành mạnh, bền vững.
Tuy nhiên, tại Hà Nội và nhiều thành phố trên cả nước, chúng ta vẫn nhìn thấy hàng nghìn khu đô thị “ma” cùng những căn biệt thự không người ở. Ở thời điểm này, khi giá nhà đất ở Hà Nội bị thổi lên và hình thành mặt bằng giá cao chưa từng có thì những khu đất bỏ hoang, những khu đô thị ma đó quả thực là sự lãng phí vô cùng lớn và gây phản cảm và bức xúc cho dư luận.

Cơn sốt đất nền tại các huyện vùng ven diễn ra suốt hai tháng qua đã đẩy mặt bằng giá chung cư và nhà đất ở Hà Nội lên một mức cao chưa từng có. Nếu tình trạng này không được nhận diện, không được kiểm soát và có giải pháp thích hợp để những cơn sốt ảo đẩy bất động sản lên một mặt bằng giá mới sẽ gây ra nhiều hệ lụy khôn lường đối với nền kinh tế cũng như xã hội.
Ở nhiều địa phương, khi mặt bằng giá đất được đẩy lên cao một cách vô lý còn là lực cản phát triển khi phải đền bù thu hồi đất với giá cao ngất ngưởng để triển khai những công trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Từ đây, cũng làm nảy sinh nhiều bất ổn về tình hình an ninh trật tự khi xảy ra khiếu kiện về đền bù đất đai, mà như mọi người đã biết khiếu kiện đất đai lâu nay vẫn chiếm tới 70-80% trong các loại khiếu kiện.
Và nếu nhìn dưới góc độ xã hội, nếu không kiểm soát đươc tốc độ leo thang của giá bất động sản thì nỗi lo về một thế hệ không có khả năng mua nhà hay không có khả năng trả tiền thuê nhà rất có thể trở thành hiện thực. Không có nhà sẽ dẫn đến không kết hôn, không sinh con và nhiều “không” khác…
“Vì vậy, tại diễn đàn hôm nay, tôi hy vọng các đại biểu sẽ phân tích sâu và cô đọng những thách thức đặt ra và đưa ra những khuyến nghị chính sách thực tiễn, thúc đẩy một hành lang pháp lý ổn định và tạo điều kiện phát triển minh bạch, bền vững cho thị trường BĐS. Ngăn chặn lãng phí đất đai, tháo gỡ điểm nghẽn thể chế để huy động nguồn lực dành cho phát triển” - ông Nguyễn Kim Khiêm nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa, Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản là 3 đạo luật quan trọng, gắn kết chặt chẽ trong việc quản lý, sử dụng đất đai, phát triển thị trường bất động sản, nhà ở và thị trường quyền sử dụng đất; thể chế nhiều chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước. Các luật với nhiều điểm mới quan trọng sẽ góp phần minh bạch trong tiếp cận đất đai, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, giải phóng nguồn lực đất đai, thúc đẩy phát triển lành mạnh thị trường bất động sản.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu cho rằng, một thực trạng mà thị trường bất động sản đang gặp phải là cơ cấu sản phẩm nhà ở chưa hợp lí, thiếu nhà giá rẻ, nhà ở vừa túi tiền. Để thị trường phát triển lành mạnh, Nhà nước điều tiết thị trường bằng chính sách pháp luật. Đề xuất thuế bất động sản là cần thiết, sẽ điều tiết thị trường khi bị đầu cơ sốt nóng hoặc khi khó khăn, đóng băng.
Chia sẻ về vấn đề này, TS Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nguyên Phó chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội nêu rõ, vấn đề giá tăng làm cho khả năng tiếp cận nhà ở của người mua giảm, đặc biệt là phân khúc nhà ở phù hợp thu nhập. Xuất hiện tình trạng đầu cơ đất đai, đẩy giá nhà ở và phát sinh giao dịch bất động sản thiếu minh bạch. Điều này đòi hỏi chính quyền địa phương có phương thức điều tiết thị trường, quản lý, giám sát chặt chẽ.

Nhấn mạnh vai trò của công tác quản lý Nhà nước trong định hướng phát triển thị trường bất động sản, ông Vương Duy Dũng, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) nêu rõ, cần bảo đảm công tác lập chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, các dự án phải phù hợp với quy hoạch. Từ đó, thị trường sẽ phát triển theo hướng bảo đảm cung cầu, thúc đẩy các dự án nhà ở xã hội, nguồn cung nhà ở tăng. Sản phẩm bất động sản có nhiều đặc thù, nhiều tham số, liên quan đến nhiều lĩnh vực. Để phát triển 1 dự án có thể mất cả chục năm. Do đó, đòi hỏi sự tích cực, kiên trì đồng bộ của các cơ quan, các cấp và các chủ thể tham gia vào thị trường.
Ngoài ra, một số nội dung pháp lý tại Luật mới rất cần làm rõ. Trong đó, có tác động của việc xây dựng bảng giá đất mới sao cho phản ánh đúng giá trị thực, tránh tình trạng giá ảo, để tính toán thuế đất, chi phí đầu tư và giá bán BĐS… Cần phân tích, nghiên cứu đa dạng hóa nguồn vốn; Vấn đề quỹ đầu tư BĐS và kêu gọi cộng đồng tham gia đầu tư; Vấn đề pháp lý để đảm bảo tính minh bạch, bền vững trong nguồn vốn cho dự án BĐS.
Vấn đề giá tăng làm cho khả năng tiếp cận nhà ở của người mua giảm, đặc biệt là phân khúc nhà ở phù hợp thu nhập. Xuất hiện tình trạng đầu cơ đất đai, đẩy giá nhà ở và phát sinh giao dịch BĐS thiếu minh bạch. Điều này đòi hỏi chính quyền địa phương có phương thức điều tiết thị trường, quản lý, giám sát chặt chẽ.
Ngoài ra vấn đề quy hoạch, giải phóng mặt bằng hay vấn đề cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư, kinh doanh BĐS cần điều chỉnh quy trình đơn giản cùng với sự kết hợp chặt chẽ, nhất quán giữa các cơ quan trong hệ thống quản lý Nhà nước.
Bà Rịa – Vũng Tàu đấu giá hơn 59,7 ha đất thuộc dự án Khu đô thị đường 3.2
Đấu giá thành công 23 thửa đất tại đô thị vệ tinh Sóc Sơn, giá trúng cao nhất 93,4 triệu đồng/m2
Thuận Thành, Bắc Ninh đấu giá 5 lô đất ở, khởi điểm 10,6 triệu đồng/m2
Sunshine Homes có Tổng giám đốc người Hàn Quốc
Quảng Trị đấu giá 79 lô đất để làm dự án khu đô thị Bắc sông Hiếu
Thanh Oai đấu giá thành công 89 thửa đất, giá trúng cao nhất gần 80 triệu đồng/m2