Thủ tướng chỉ đạo khởi công cầu Tứ Liên, đặt mục tiêu hoàn thiện sau 2 năm
Sáng 19/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khởi công dự án cầu Tứ Liên – một trong những công trình trọng điểm được kỳ vọng tạo động lực phát triển mới cho Hà Nội và vùng Thủ đô.
Cùng dự lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài; Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và thành phố.
Dự án cầu Tứ Liên được triển khai theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm và Nghị quyết 77/NQ-CP của Chính phủ. Đây là cây cầu vượt sông Hồng đầu tiên khởi công trong năm 2025, nằm trong quy hoạch 18 cây cầu vượt sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

Tổng mức đầu tư toàn dự án khoảng 19.830 tỷ đồng, gồm 4 dự án thành phần. Trong đó, 3 dự án giải phóng mặt bằng chiếm hơn 4.300 tỷ đồng, thu hồi hơn 62 ha đất với khoảng 701 hộ dân bị ảnh hưởng. Dự án xây dựng cầu và đường hai đầu cầu do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội làm chủ đầu tư, có mức đầu tư khoảng 15.498 tỷ đồng.
Cầu chính Tứ Liên có kết cấu dây văng, nhịp chính dài 500m, trụ tháp cao 185m, mặt cầu rộng 43m. Hai đường dẫn có mặt cắt từ 48 – 60m, kết nối với các nút giao lớn tại Nghi Tàm và Trường Sa, tích hợp hạ tầng kỹ thuật, cây xanh, chiếu sáng và hầm chui hiện đại.
Liên danh nhà thầu thi công gồm Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương (Trung Quốc), Tập đoàn Vingroup và các đối tác trong nước.

Thủ tướng yêu cầu các đơn vị rút ngắn tiến độ xuống còn 24 tháng, bảo đảm chất lượng, kỹ – mỹ thuật, không đội vốn, không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng. Cầu Tứ Liên không chỉ giải quyết áp lực giao thông mà còn phải là điểm nhấn kiến trúc mới của Thủ đô, kết nối trung tâm Hà Nội với Đông Anh, Thái Nguyên, sân bay Gia Bình và Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia.
Ông Phạm Minh Chính đánh giá cao nỗ lực của Hà Nội khi chỉ trong 5 tháng đã hoàn thành toàn bộ công tác chuẩn bị, sẵn sàng thi công trên toàn tuyến – tiến độ nhanh gấp nhiều lần các dự án tương tự trước đây.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết thành phố đã áp dụng nhiều giải pháp sáng tạo để rút ngắn thủ tục, như thiết lập cơ chế "làn xanh" xử lý văn bản trong 24 giờ, giao ban hàng tuần, cho phép chỉ định thầu vượt hạn mức theo Nghị định 17/2025.
Dự án được kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Thủ đô đạt mục tiêu trên 8% năm 2025, tạo đà cho giai đoạn tăng tốc sau đó, phát triển các ngành dịch vụ, du lịch, thương mại khu vực phía Bắc sông Hồng, đồng thời góp phần giảm tải cho các cầu hiện hữu.
Thủ tướng kêu gọi toàn hệ thống chính trị vào cuộc, đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, chăm lo đời sống người dân tái định cư, bảo đảm lợi ích hài hòa giữa Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân. Ông cũng nhấn mạnh vai trò của các nhà thầu trong việc sử dụng nhân lực, vật tư trong nước, chuyển giao công nghệ, tăng hiệu quả đầu tư và nâng cao hình ảnh Thủ đô.
Đầm Mo bị san lấp làm bãi xe
Trường THPT gần 200 tỷ đồng ở quận Cầu Giấy sắp hoàn thành
Cận cảnh dự án bãi xe hơn 10.000m2 gần tòa nhà Keangnam, Hà Nội
Hà Nam: cát tặc hoành hành do buông lỏng quản lý tài nguyên khoáng sản
Nhiều sân pickleball trên đất thương mại dịch vụ ở Nam Từ Liêm
Năm 2025- quận Long Biên sẽ xây dựng, cải tạo và mở rộng 53 tuyến đường