Thực phẩm hết hạn ở La Phù: mối nguy khó lường
Trách nhiệm xã hội và sự vô cảm với môi trường
Sáng 7/6, người dân xã La Phù phát hiện một số lượng lớn bánh kẹo, thực phẩm đóng gói bị đổ tràn lan tại khu đất gần bãi rác. Đa phần sản phẩm vẫn còn nguyên bao bì, có nhãn mác in bằng chữ Trung Quốc, không hề có nhãn phụ bằng tiếng Việt – một yêu cầu bắt buộc đối với hàng hóa nhập khẩu chính ngạch. Quan sát ban đầu cho thấy phần lớn thực phẩm đều đã hết hạn sử dụng từ năm 2024, một số bao bì có dấu hiệu bị ẩm mốc, chảy nước, bốc mùi ôi thiu.
Điều đáng chú ý là một số bao bì còn có kiểu dáng và màu sắc “na ná” với các thương hiệu bánh kẹo quen thuộc của Việt Nam, làm dấy lên nghi ngờ về hành vi mạo danh thương hiệu nhằm đánh lừa người tiêu dùng. Trong bối cảnh nạn hàng giả, hàng nhái vẫn diễn biến phức tạp, nhất là trong lĩnh vực thực phẩm, sự việc ở La Phù đặt ra nguy cơ về một “đường dây” tiêu thụ hàng hóa không rõ nguồn gốc, hoặc thậm chí là thực phẩm hết hạn được “hồi sinh” để tái bán ra thị trường.
Không chỉ là vấn đề về hàng hóa, vụ việc còn phản ánh sự vô cảm trong xử lý rác thải thực phẩm, cho thấy một khoảng trống đáng báo động trong văn hóa tiêu dùng, đạo đức kinh doanh và ý thức bảo vệ môi trường.
Một người dân sống gần bãi rác cho biết: “Tình trạng đổ rác bên cạnh đường đã xảy ra từ lâu. Hồi tháng 2 vừa qua, các loại bánh kẹo hết hạn sử dụng bị đổ bỏ chất cao như núi. Lực lượng chức năng của xã vào cuộc, thuê máy xúc thu dọn nhưng tình trạng đổ rác bừa bãi ở đây vẫn tái diễn”.
Một khảo sát năm 2023 của Trung tâm Hỗ trợ phát triển Xanh (GreenHub) cho thấy mỗi năm Việt Nam lãng phí khoảng 8,8 triệu tấn thực phẩm, tương đương gần 40 triệu suất ăn. Trong đó, phần lớn đến từ các kênh phân phối hàng hóa quy mô nhỏ – bao gồm cả hàng hóa hết date hoặc bị trả lại do lỗi bao bì. Việc thiếu chính sách khuyến khích tái chế, phân loại và tiêu hủy thực phẩm đúng quy chuẩn đang khiến nhiều doanh nghiệp chọn giải pháp “né luật”, trong khi cơ quan quản lý địa phương còn yếu và thiếu công cụ giám sát.

Hồi chuông báo động
La Phù hiện có hàng trăm cơ sở sản xuất quy mô nhỏ, phân phối chủ yếu qua kênh truyền thống. Với vị trí gần trung tâm Thủ đô, nguồn hàng phong phú và giá cả cạnh tranh, nơi đây trở thành “chợ sỉ” quen thuộc của tiểu thương từ Bắc vào Nam, đặc biệt nhộn nhịp vào dịp Tết Nguyên đán và Trung thu. Nhiều trường hợp đã bị phát hiện, xử lý theo quy định của pháp luật nhưng tình trạng buôn bán hàng nhập lậu, hàng giả vẫn tái diễn.
Có thể thấy, việc đổ bỏ thực phẩm công khai không chỉ vi phạm nhiều quy định của pháp luật như: Luật Bảo vệ môi trường, Luật An toàn thực phẩm, Nghị định 45/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường... mà còn phản ánh những thách thức trong công tác quản lý và giám sát.
Trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng khắt khe hơn với chất lượng và xuất xứ hàng hóa, đặc biệt là các sản phẩm liên quan trực tiếp đến sức khỏe như thực phẩm, các hành vi thiếu trách nhiệm như vụ vứt bỏ hàng loạt bánh kẹo hết hạn ở La Phù không chỉ gây tổn hại trước mắt về kinh tế mà còn hủy hoại nghiêm trọng môi trường.
Các làng nghề truyền thống – vốn được xem là “cái nôi” của nhiều sản phẩm đặc trưng Việt Nam đang đứng trước nhiều "áp lực" để hướng đến sự phát triển bền vững. Sự việc ở La Phù một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về những thách thức trong quản lý môi trường đô thị – đặc biệt khi Thủ đô đang triển khai Luật Thủ đô (sửa đổi) với định hướng phát triển bền vững và kinh tế tuần hoàn.
Người tiêu dùng đang cần một “lá chắn” bảo vệ thực sự
Biên phòng Quảng Ninh khởi tố vụ vận chuyển hàng lậu qua biên giới
Quảng Ninh: Người dân phát hiện hàng nghìn hộp thực phẩm chức năng hết hạn bị đổ trộm tại bãi rác
Chưa kiểm đếm, di dời mộ đã tiến hành cưỡng chế, gây bức xúc trong dân
Cần trả lại mặt bằng cho Dự án Khu công viên tưởng niệm danh nhân Chu Văn An
Cẩn trọng kẻo “tiền mất, tật mang” khi đầu tư vào thị trường tiền ảo