Tín hiệu tốt từ doanh nghiệp vật liệu xây dựng
Bức tranh sáng
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội trong nước tiếp tục có xu hướng phục hồi và đạt những kết quả tích cực, tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023.
Kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, cán cân kim ngạch xuất nhập khẩu được bảo đảm cân đối; sản xuất công nghiệp, trong đó có ngành chế biến, chế tạo tăng so với cùng kỳ năm 2023.
Nhiều dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia được khởi công, khánh thành, cùng với đó Chính phủ đã có những chỉ đạo kịp thời quyết liệt về các lĩnh vực nền kinh tế. Trong đó, đặc biệt quan tâm tháo gỡ khó khăn cho DN để phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc thủ tục pháp lý, đẩy nhanh tiến độ triển khai những dự án bất động sản, nhất là các dự án nhà ở, khu đô thị, khu công nghiệp lớn có tác động lan toả. Đồng thời thực hiện các giải pháp thúc đẩy mạnh triển khai đầu tư đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội (NƠXH), nhà ở công nhân, góp phần giải quyết nhu cầu cho người dân.
Triển khai quyết liệt hơn những biện pháp để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay, có giải pháp đột phá tăng khả năng tiếp cận về vốn, đẩy mạnh triển khai hiệu quả các gói tín dụng ưu đãi, linh hoạt hơn trong chính sách tiền tệ, xem xét thực hiện chính sách hoãn nợ, giãn nợ, giảm lãi xuất, tháo gỡ các khó khăn cho DN trong giai đoạn này.
Tập trung thúc đẩy tiến độ thi công và giải ngân dự án công trình trọng điểm, công trình hạ tầng giao thông, chiến lược quan trọng Quốc gia, như đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông, dự án cao tốc, sân bay, cảng biển, đường cao tốc dự án liên vùng, liên tỉnh, Vành đai 4 vùng Thủ đô và Vành đai 3 của TP Hồ Chí Minh, cũng như khôi phục phát huy đà tăng trưởng của ngành công nghiệp sản xuất địa phương và các vùng kinh tế trọng điểm.
"Với sự chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với đó là sự vào cuộc tích cực của bộ, ngành, địa phương, các lĩnh vực kinh tế - xã hội nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực hơn, nhiều dự án công trình trọng điểm mang tầm Quốc gia được đẩy mạnh triển khai" - Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh chia sẻ.
Các công trình hạ tầng giao thông chiến lược, sân bay, cảng biển, đường cao tốc, hoạt động đầu tư bất động sản, phát triển khu công nghiệp được phục hồi trở lại và đây là điều kiện, cơ hội thuận lợi để các DN hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng, vật liệu xây dựng, trang trí nội thất, máy móc thiết bị công nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh góp phần phục hồi kinh tế - xã hội của đất nước.
Đồng quan điểm, Cục Trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú cho biết, năm 2024 ngành xây dựng, công nghiệp Việt Nam đã có bước phát triển bền vững tích cực, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5/2024 tiếp tục duy trì xu hướng tăng trưởng tích cực hơn, ước tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, IIP tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước.
Với sự hồi phục của thị trường thế giới, các đơn hàng xuất khẩu hàng hoá gia tăng, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá trong 5 tháng đầu năm đã có những khởi sắc, đạt được kết quả tích cực. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 305,53 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 15,2%; nhập khẩu tăng 18,2%.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 156,77 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 43,69 tỷ USD, tăng 20,5%, chiếm 27,9% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 113,08 tỷ USD, tăng 13,3%, chiếm 72,1%.
Trong 5 tháng đầu năm 2024 có 26 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 90,0% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 65,3%). “Những thành tựu phát triển kinh tế trên có sự đóng góp tích cực của các hoạt động xúc tiến thương mại, đặc biệt là trong ngành xây dựng, cũng như là công nghiệp vật liệu xây dựng” - ông Phú cho hay.
Chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh
Nhiều lãnh đạo của các DN trong ngành xây dựng, vật liệu đều nhìn nhận, trong quý I/2024, bức tranh thị trường vẫn chưa có nhiều điểm sáng. Do vậy, kỳ vọng vào quyết liệt thúc đẩy giải ngân đầu tư công, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm và NƠXH để tạo ra “lực đẩy” cho thị trường bất động sản phục hồi, qua đó giúp thị trường vật liệu xây dựng (VLXD)"sáng" hơn trong thời gian tới.
Cùng với đó, để tiếp tục giữ lại thị phần, buộc các DN chọn hướng đi linh hoạt và phù hợp cho riêng mình, chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách đổi mới sáng tạo hơn nữa.
CEO Cabinet Master Micheal Nguyen chia sẻ, trong tình hình hiện nay thị trường bất động sản chưa kịp phục hồi và xuất khẩu đang gặp khó khăn về đơn hàng, giá thành và chất lượng sản phẩm bên cạnh mẫu mã là 3 yếu tố quan trọng nhất để đạt tiêu chí cạnh tranh.
"Một sản phẩm nếu DN cung cấp ra thị trường với giá thành cao chắc chắn sẽ không có được sự quan tâm của khách hàng. Muốn ở lại cuộc chơi, buộc phải đầu tư về công nghệ và cả quy trình để có giá thành thấp nhất, không ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm" - ông Micheal Nguyen cho hay.
Còn theo Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại VF8 Wei Qizhu, trong 8 năm hoạt động tại thị trường xây dựng Việt Nam hiện nay dù đang gặp khó khăn nhưng ngành nội thất đang có một vài điểm sáng tuy chưa đạt được như kỳ vọng.
"Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, các DN ngành VLXD có những hướng đi linh hoạt hơn nữa. Đặc biệt là nên chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách đổi mới sáng tạo để tăng chất lượng, đa dạng mẫu mã sản phẩm, giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm" - ông Wei Qizhu cho biết.
"Thay vì chỉ tập trung vào mục tiêu số hóa, các DN cần chủ động tích hợp yếu tố bền vững trong chiến lược chuyển đổi số để tận dụng cơ hội kinh doanh mới cũng như mang lại lợi ích cho xã hội và môi trường. Đây chính là lý do xu hướng chuyển đổi kép - chuyển đổi số đồng hành cùng chuyển đổi xanh, đang ngày càng được chú trọng." - Phó Giám đốc Trung Tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội (SCE), Sở KH&ĐT Hà Nội Nguyễn Hải Hùng |
Thành Luân
https://kinhtedothi.vn/tin-hieu-tot-tu-doanh-nghiep-vat-lieu-xay-dung.html
Phát triển vật liệu xây dựng mới, tái chế, thông minh là nhiệm vụ cấp thiết
Thanh Hóa: thí điểm sử dụng 130.000m3 cát nhiễm mặn để đắp nền các tuyến đường nội bộ ở Nghi Sơn
“Bê tông xanh” - xu hướng vật liệu xây dựng của tương lai
Gia Lai: sắp đấu giá trực tuyến khu đất hơn 5.600m2
Sử dụng nội thất thông minh: tiện nghi và thân thiện
Tháp lưu tro cốt – giải pháp “nhà ở” cho người mất