Tỉnh Lạng Sơn sẽ tu bổ, tôn tạo di tích đền Vua Lê
UBND tỉnh Lạng Sơn vừa ban hành Quyết định số 1491/QĐ-UBND về việc phê duyệt Báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ di tích đền Vua Lê, xã Hoàng Đồng, TP Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn).
Theo đó, đền Vua Lê là di tích kiến trúc nghệ thuật - tín ngưỡng được người dân địa phương xây dựng vào thế kỷ XV (năm 1428) để thờ vọng vua Lê Thái Tổ. Hiện nay, một số hạng mục công trình của di tích đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng như: hệ thống ngói bị vỡ hỏng, phần cấu kiện bằng chất liệu gỗ đã bị mục gây võng mái, tường nứt vỡ… gây ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường khu vực và đặc biệt là sự an toàn của Nhân dân khi đến hành lễ.
Do vậy, việc tu bổ, tôn tạo di tích nhằm thực hiện ngày càng tốt hơn công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích và phục vụ nhu cầu tham quan, hành lễ của người dân địa phương và du khách thập phương. Tiến hành tu bổ trên nguyên tắc tuân thủ các quy định của pháp luật về di sản văn hóa, xây dựng, ưu tiên đảm bảo giữ gìn di tích lâu dài, chống lại các ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên, xã hội và môi trường.
Thời gian thực hiện dự án tu bổ là năm 2024 - 2025, chủ đầu tư là UBND xã Hoàng Đồng, TP Lạng Sơn. Dự toán kinh phí thực hiện khoảng 2,9 tỷ đồng lấy từ nguồn vốn xã hội hóa, trong đó chi phí xây dựng khoảng 2,5 tỷ đồng, còn lại là các chi phí khác như quản lý dự án, tư vấn đầu tư…
Về quy mô, giải pháp tu bổ các hạng mục, sẽ tiến hành hạ giải gian tiền tế, gian hậu cung, mái che sân giữa và xây dựng lại tại vị trí cũ. Tường gian tiền tế xây bằng gạch không nung, cột và hoành bê tông cốt thép, rui gỗ lim, mái lợp ngói mũi hài, nền được đổ bê tông và lát gạch Bát Tràng. Trước gian tiền tế bố trí hai trụ biểu bằng bê tông cốt thép sơn giả đá.
Gian hậu cung sẽ có tường xây bằng gạch không nung, cột và hoành bê tông cốt thép, rui mái gỗ lim, mái lợp ngói mũi hài, nền được đổ bê tông và lát gạch Bát Tràng. Toàn bộ cửa sử dụng gỗ lim.
Mái che sân giữa, hoành bê tông cốt thép, rui gỗ lim, mái lợp ngói mũi hài, nền được đổ bê tông và lát gạch Bát Tràng. Ngoài ra, xây trụ cổng và cánh cổng phụ theo kích thước cổng hiện trạng.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Lạng Sơn đưa ra một số phương án nhằm phát huy giá trị di tích như tăng cường tuyên truyền, quảng bá, xây dựng tuyến tham quan hấp dẫn đối với du khách thập phương. Tăng cường công tác quản lý di tích theo các quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Hạ Long đón những đoàn khách du lịch đầu tiên sau bão Yagi
Công viên địa chất Lạng Sơn được công nhận là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO
Đền Hát Môn được công nhận là điểm du lịch di tích quốc gia đặc biệt
Hà Nội được vinh danh “Điểm đến thành phố hàng đầu châu Á” năm 2024
50 hoạt động hấp dẫn phục vụ du khách dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 tại Đà Nẵng
Thành lập công viên địa chất gần 3.000 km2 đất liền và mặt nước