Tòa nhà “Hàm cá mập” sẽ được phá dỡ trong tháng 5/2025
UBND quận Hoàn Kiếm, với sự đồng thuận của UBND TP Hà Nội, đã tiến hành nghiên cứu phương án cải tạo, chỉnh trang khu vực Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, trải rộng trên địa bàn các phường Hàng Trống, Hàng Gai, Hàng Bạc và Lý Thái Tổ. Đây là khu vực có vị trí đặc biệt, kết nối hai không gian đô thị di sản gồm cụm di tích hồ Hoàn Kiếm - đền Ngọc Sơn ở phía Nam (được xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt) và khu phố cổ Hà Nội ở phía Bắc (di tích cấp Quốc gia).
Quận Hoàn Kiếm cho biết, việc cải tạo, chỉnh trang quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục trong đó có việc hạ giải tòa nhà số 1-3-5 Đinh Tiên Hoàng được triển khai trước. Trong thời gian qua, quận Hoàn Kiếm đã phối hợp các sở, ngành thành phố nghiên cứu lập phương án và báo cáo Thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư theo 2 phân kì:
Phân kì 1, gồm 5 nội dung: Hạ giải tòa nhà Trung tâm thương mại số 1-3-5 Đinh Tiên Hoàng. Di chuyển trạm biến áp hiện có bên trong tầng 1 công trình số 1-3-5 Đinh Tiên Hoàng của Điện lực Hoàn Kiếm tại mặt phố Cầu Gỗ. Chỉnh trang tòa nhà Hapro (số 7-9 Đinh Tiên Hoàng). Chỉnh trang mái che, mái vẩy, biển hiệu, mặt đứng các công trình xung quanh quảng trường đoạn phố Đinh Tiên Hoàng, đoạn phố Cầu Gỗ, đầu phố Hàng Đào. Chỉnh trang nhà hàng Thủy Tạ.

Tổ chức lại giao thông trên đường Đinh Tiên Hoàng. Hạn chế phương tiện giao thông cơ giới, phát huy không gian sau hạ giải công trình số 1-3-5 Đinh Tiên Hoàng và kết nối tuyến phố Đinh Tiên Hoàng để triển khai thành không gian công cộng gắn với dịch vụ bổ trợ cho du lịch của Thủ đô.
Các nội dung trên được triển khai trong tháng 5/2025 và kết thúc trong tháng 8/2025.
Phân kì 2, gồm: Nghiên cứu giải pháp phát triển không gian ngầm quảng trường; tiếp tục chỉnh trang hết lớp nhà thứ nhất mặt phố xung quanh quảng trường; cải tạo tổng thể hạ tầng kỹ thuật để tương xứng với hoạt động của hồ Hoàn Kiếm là di tích cấp Quốc gia đặc biệt; bổ sung các trang thiết bị đô thị phù hợp với các chức năng hoạt động của khu vực.
Với khối lượng công việc của phân kì 1 như trên, UBND quận Hoàn Kiếm đang phối hợp với các sở, ngành thành phố khẩn trương hoàn tất các thủ tục theo quy định của pháp luật.
Tòa nhà "Hàm cá mập" do Tổng công ty Vận tải Hà Nội quản lý, được xây dựng từ năm 1991 đến 1993, mặt trước hướng ra quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, mặt trái hướng ra Hồ Gươm, mặt phải giáp với phố Cầu Gỗ, mặt sau là các quán ăn, quán cà phê của hộ dân.
Tòa nhà cao 6 tầng, từ tầng 2 đến 5 là các nhà hàng, quán cà phê, tầng 6 có tầm nhìn bao quát trọn vẹn Hồ Gươm. Từ khi đưa vào sử dụng đến nay, kiến trúc của công trình nhận nhiều ý kiến trái chiều từ chuyên gia quy hoạch đô thị, kiến trúc.
Việc cải tạo quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục nằm trong chủ trương chung của thành phố là nghiên cứu quy hoạch mở rộng không gian công cộng khu vực Hồ Gươm. Cùng với chỉnh trang quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, chính quyền Hà Nội cũng nghiên cứu quy hoạch, cải tạo khu vực phía đông Hồ Gươm theo hướng tăng cường không gian công cộng, không gian mở, phục vụ cộng đồng. Phạm vi nghiên cứu là đoạn phố Đinh Tiên Hoàng, giới hạn từ phố Trần Nguyên Hãn đến trụ sở Sở Văn hóa và Thể thao ở phố Hàng Dầu. Khu vực này rộng hơn 2 ha, hiện có 17 trụ sở cơ quan, đơn vị và 42 hộ dân.
Cảnh ngổn ngang ở dự án mở rộng QL6 đoạn Ba La - Xuân Mai
Diện mạo đường Nguyễn Tuân sắp đến hạn hoàn thành mở rộng
Diện mạo mới của trường THPT chuyên Nguyễn Huệ, Hà Đông sau cải tạo
Cụm công nghiệp Đông Phú Yên ở Chương Mỹ sau hơn 1 năm khởi công
Hà Nội ban hành nhiều quyết định giao đất để thực hiện dự án ở một số huyện
Trường tiểu học hơn trăm tỷ đồng đang hoàn thiện ở phường Giang Biên, Long Biên